Bị người nhà rửa mũi nhầm cồn 90 độ, bé trai nhập viện khẩn cấp
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vừa cấp cứu thành công cho trường hợp bé P.M.K., 5 tháng tuổi bị người nhà bơm nhầm cồn 90 độ để rửa mũi.
Gia đình cho biết, trước đó 2 ngày bé K. có hiện tượng bị nghẹt mũi, nước mũi xanh. Do quá lo lắng, gia đình tự rửa mũi cho trẻ bằng cách dùng xi lanh hút 20ml dung dịch bơm trực tiếp vào mũi.
Sau khi bơm, trẻ khó chịu, quấy khóc bất thường, gia đình kiểm tra thì phát hiện bơm nhầm 20ml dung dịch cồn 90 độ. Phụ huynh vội vàng rửa mũi lại nhiều lần bằng nước sạch cho trẻ và đưa tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Sau khi thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và chụp x-quang trẻ được chẩn đoán bị bỏng niêm mạc mũi do bị rửa mũi nhầm bằng cồn 90 độ.
Rất may, là gia đình đã nhanh chóng xử trí rửa mũi cho trẻ nhiều lần bằng nước sạch sau khi phát hiện sự nhầm lẫn. Tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh nhi được truyền dịch, truyền kháng sinh, giảm đau và theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.
Sau 12 tiếng kể từ khi nhập viện, tình trạng bệnh nhi ổn định, nhịp tim nhịp thở đều, da môi hồng và bú sữa mẹ được. Sau 4 ngày điều trị, trẻ được xuất viện về nhà với gia đình.
Theo bác sĩ CKI Hoàng Viết Thịnh, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho rất nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do sơ suất của người lớn như trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin (thuốc nhỏ mũi cấm dùng cho trẻ dưới 6 tuổi), trẻ bị ngừng thở cấp tính do phụ huynh dùng bơm xilanh bơm trực tiếp lượng lớn dung dịch nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ...
Bệnh nhi K. là trường hợp đầu tiên bệnh viện tiếp nhận điều trị vì bị rửa mũi nhầm bằng dung dịch cồn 90 độ.
“Đây là việc làm vô cùng nguy hại tới sức khỏe của trẻ bởi cồn 90 độ có thể gây bỏng hô hấp, bỏng mắt, bỏng giác mạc, thậm chí cồn Methanol công nghiệp có thể gây độc hệ thần kinh trung ương. Vì vậy các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối sinh lý rất giống nhau về hình thức nên dễ bị nhầm lẫn”, bác sĩ Thịnh nói.
Bác sĩ Thịnh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, trường hợp không cần thiết, tuyệt đối không được lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ, đặc biệt không nên tự ý sử dụng xi lanh để rửa mũi, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bởi bơm xi lanh có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, các loại xi lanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Ngoài ra, khi thấy trẻ bị chảy mũi, nghẹt mũi do mắc các bệnh về đường hô hấp thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị kịp thời. Tránh trường hợp phụ huynh tự ý mua thuốc về nhà điều trị cho trẻ hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ mà chưa có chỉ định của bác sĩ.