Bị nhốt làm thú cưng trong dinh thự Arab, loài báo bên bờ tuyệt chủng
Bị nuôi nhốt trong những biệt thự ở vùng vịnh Arab, những con báo được buôn lậu từ châu Phi thường không sống sót nổi sau 2 năm, càng đẩy loài vật này tới bờ vực tuyệt chủng.
Ba quả bóng lông nhỏ xíu rúc vào nhau để sưởi ấm bên trong một hộp các tông. Những con báo con mới được vài tuần tuổi nhưng chúng đã có một khởi đầu đau thương trong cuộc đời.
Một kẻ buôn lậu đang cố gắng đưa chúng ra khỏi Somaliland, bang ly khai khỏi Somalia, thì bị chính quyền bắt quả tang.
Những con báo con này sẽ sớm được đưa đến một căn nhà an toàn, chúng là những cá thể may mắn. Khoảng 300 con báo con khác bị buôn bán ra khỏi Somaliland mỗi năm, tương đương toàn bộ số báo trưởng thành và mới lớn ở các khu vực không được bảo vệ tại vùng Sừng châu Phi, theo Quỹ bảo tồn Báo (CCF).
Với tốc độ buôn bán hiện nay, số báo trong khu vực có thể sớm bị xóa sổ. Somaliland là tuyến đường trung chuyển chính cho buôn bán báo ở vùng Sừng châu Phi.
Những con vật bị buôn lậu qua biên giới lỏng lẻo của Somaliland, sau đó bị nhét trong những chiếc thùng chật chội hoặc hộp các tông trên thuyền và gửi qua vịnh Aden tới đích cuối cùng của chúng: bán đảo Arab.
Biểu tượng địa vị cho người giàu
Theo CCF, chỉ còn lại chưa đầy 75.000 con báo trong tự nhiên. Khoảng 1.000 con báo khác đang bị giam giữ trong tay tư nhân ở các nước Vùng Vịnh, nơi nhiều cá thể bị mua bán bất hợp pháp qua mạng.
Nhiều quốc gia trong số này - bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia - cấm sở hữu tư nhân và bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc thực thi khá lỏng lẻo.
Theo CCF và các chuyên gia, phần lớn những con báo này ở các biệt thự ở vùng vịnh Arab, nơi chúng được phô trương như những biểu tượng của người cực kỳ giàu có và khoe khoang trong các bài đăng trên mạng xã hội.
Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy những con báo đang nằm trên những chiếc xe sang trọng, bị đẩy xuống bể bơi, bị bắt ăn kem và kẹo mút, bị một nhóm người chọc ghẹo.
Đối với những con báo, cuộc sống bị giam cầm có thể dẫn đến cái chết, nếu cuộc hành trình không giết chúng trước. Nhiều con tới vịnh với chân bị què sau hành trình khó khăn. Một số con không sống sót nổi.
Là động vật có vú trên cạn có tốc độ nhanh nhất thế giới, báo đốm cần không gian để chạy và chế độ ăn uống đặc biệt. Hầu hết chủ sở hữu Vùng Vịnh không biết cách chăm sóc chúng và phần lớn những con báo bị giam cầm chết trong một hoặc hai năm, các chuyên gia nói với CNN.
"Những người nuôi báo làm thú cưng đang khiến loài động vật này tuyệt chủng", Laurie Marker, nhà bảo tồn sinh học người Mỹ và người sáng lập CCF, cho biết.
Một bác sĩ thú y ở các nước Vùng Vịnh xác nhận bức tranh nghiệt ngã này. Họ nói với CNN với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
"Các con báo cảm thấy rất khủng khiếp trong điều kiện nuôi nhốt", một bác sĩ thú y đã điều trị cho hàng chục con báo con vật nuôi trong năm năm qua, nói. Nhiều con báo được anh chăm sóc đã không qua khỏi.
Người này cho biết anh đã thấy những con báo bị rối loạn chuyển hóa và tiêu hóa vì mọi người không biết nên cho chúng ăn gì. Anh cũng bắt gặp những con báo với các bệnh liên quan đến căng thẳng và béo phì do bị giam cầm.
Giam cầm là "ngõ cụt cho loài báo", một bác sĩ thú y khác nói. Mèo lớn là một loài tinh tế, đặc biệt dễ mắc bệnh.
Trong một tuyên bố với CNN, Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu của UAE phủ nhận có những con báo trong nhà riêng và nói rằng bất kỳ con báo nào ở nước này đều ở trong "các cơ sở được cấp phép".
Bộ cũng cho biết họ thường xuyên theo dõi các quảng cáo trực tuyến bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng và đã loại bỏ khoảng 800 trang web như vậy.
Bị rao bán qua mạng
Một nghiên cứu của CCF năm ngoái ghi nhận 1.367 con báo bị rao bán trên các mạng xã hội trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2018, phần lớn từ các quốc gia Vùng Vịnh.
Hầu hết giao dịch được thực hiện trên Instagram và YouTube. Theo CCF, ba nhà cung cấp báo làm vật nuôi hàng đầu trên toàn cầu có trụ sở tại Saudi Arabia, chiếm 1/5 tất cả quảng cáo.
Một người bán báo có trụ sở tại Riyadh cũng rao bán cả sư tử. "Bất cứ con báo nào bạn muốn, bạn yêu cầu, chúng tôi sẽ nhập về. Bạn muốn báo đực hay báo cái đều không thành vấn đề", đại lý người Saudi nói với CNN qua điện thoại.
Người bán khoe rằng anh ta đã mang hơn 80 con báo vào vương quốc. Anh ta nói với CNN rằng anh ta vừa bán hết nhưng có thể giao một con báo trong vòng 25 ngày.
Anh nói rằng có thể cung cấp những con non khoảng hai hoặc ba tháng tuổi cũng như những con báo già hơn với giá khởi điểm từ 25.000 Saudi Riyals (6.600 USD).
Những người bán khác mà CNN tìm thấy trên mạng rao bán với giá 10.000 USD mỗi con báo.
Cuộc đua giải cứu loài báo
Buôn bán báo bị cấm theo Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Tuy nhiên, buôn bán động vật hoang dã là một ngành lớn và người bán mà CNN nói chuyện có khả năng là một phần của đường dây buôn lậu lớn hơn, theo các chuyên gia.
Buôn bán động vật hoang dã được ước tính trị giá tới 20 tỷ USD mỗi năm, theo Liên Hợp Quốc và Interpol, và là một trong năm ngành công nghiệp bất hợp pháp hàng đầu trên toàn cầu, cùng với buôn bán ma túy và buôn người.
Crawford Allan, chuyên gia buôn bán động vật hoang dã của TRAFFIC, một tổ chức phi chính phủ về buôn bán động vật hoang dã hàng đầu cho biết, buôn bán động vật sống bất hợp pháp thường chủ yếu diễn ra trên Facebook và Instagram.
Dù các mạng này đang nỗ lực phát hiện và loại bỏ những bài đăng vi phạm, Internet vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng cho các quảng cáo bất hợp pháp.
Somaliland, nhà nước tự xưng và được xem là khu tự trị của Somalia, là một trong những khu vực kém phát triển nhất trên thế giới. Nghèo đói đang thúc đẩy mọi người tham gia vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp và có khả năng sinh lợi cao này.
Tại trung tâm cứu hộ của CCF ở Somaliland, 32 con báo mồ côi được giải cứu đang được chăm sóc tại một ngôi nhà an toàn. Nhân viên quốc tế và tình nguyện viên đang gấp rút xây dựng trung tâm cứu hộ lớn hơn, sau đó thả những con báo vào khu bảo tồn động vật hoang dã.
Chi phí đang tăng lên khi ngày càng nhiều cá thể được đưa đến trung tâm. "Chúng tôi thực sự cần những người có ảnh hưởng, chúng tôi cần chính phủ, các vị vua, hoàng tử hoặc nữ hoàng lên tiếng phản đối việc mua bán động vật hoang dã.
"Nếu chúng tôi có thể cứu chúng, chúng tôi sẽ mang đến cho chúng cuộc sống tốt nhất mà chúng có thể có. Nhưng chúng không nên ở trong vòng tay chúng ta. Chúng nên ở ngoài tự nhiên", Marker, người sáng lập CCF, nói.