Bỉ nỗ lực 'tạo ra dòng sông lớn' từ những biện pháp an toàn năng lượng
Giá năng lượng giảm sẽ góp phần giảm lạm phát hiện ở mức 9,94%, mức cao nhất mà Bỉ ghi nhận trong vòng 46 năm qua.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo hôm 31/8 đã công bố một loạt quyết định của chính phủ sau cuộc họp của Ủy ban tham vấn (CODECO) về khủng hoảng năng lượng và sự bùng nổ của các hóa đơn hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhắc lại rằng điều cần thiết là phải làm việc ở cấp độ châu Âu để có tác động đáng kể, Thủ tướng Alexander De Croo nhấn mạnh, đã đến lúc châu Âu phải thể hiện khả năng bảo vệ công dân của mình. Nếu kiềm chế được giá khí đốt thì cũng sẽ làm dịu thị trường điện.
Về phần Bỉ, mỗi thực thể sẽ làm hết sức để hạ giá năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Chính phủ quyết định duy trì thuế xã hội và thuế VAT ở mức 6% đối với điện và khí đốt cho đến cuối tháng 3/2023. Việc giảm thuế VAT 6% trong lĩnh vực xây dựng và hỗ trợ đầu tư vào các tấm pin Mặt trời, lò hơi và máy bơm nhiệt cũng được gia hạn cho đến cuối năm sau.
Ngoài ra, chính phủ liên bang đã công bố một số biện pháp để giảm tiêu thụ năng lượng: giảm nhiệt độ của các tòa nhà công cộng đến 19 độ C; điều hòa nhiệt độ phải đặt chế độ hoạt động tối thiểu 27 độ; hoặc tắt điện của các tòa nhà liên bang và đài kỷ niệm trong khoảng thời gian từ 19h đến 06h.
Tất cả các biện pháp an toàn năng lượng này nhằm mục đích giảm nhu cầu và giá năng lượng. Thủ tướng Alexander De Croo khẳng định: "Những dòng suối nhỏ tạo nên những dòng sông lớn".
Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết nước này sẽ thực hiện các bước để đảm bảo giá năng lượng không tăng quá mức, nhằm "hướng tới mục tiêu chính xác là nước Đức có thể sống sót qua mùa Đông năm nay".
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck thừa nhận những khó khăn trong việc áp đặt giá trần đối với khí đốt ở châu Âu, song Đức sẽ xem xét tìm ra các cơ chế ở cấp độ châu Âu cho phép kiểm soát hoặc tác động tốt hơn đến các cơ chế giá.