Bị ong đốt, xử lý tại nhà thế nào mới an toàn?
Trong hầu hết trường hợp, mọi người có thể dễ dàng điều trị vết ong đốt tại nhà.
Cơn đau và sưng tấy quanh vết ong đốt thường sẽ biến mất sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biện pháp dưới đây có thể làm giảm cảm giác đau khó chịu và tăng tốc quá trình hồi phục.
Lưu ý, trước khi áp dụng bất cứ biện pháp nào, bạn cần kiểm tra vị trí vết đốt. Nếu ngòi ong vẫn còn trong da, cần lấy ra một cách cẩn thận.
Một số biện pháp xử lý vết ong đốt tại nhà:
1. Chườm đá
Ngay sau khi bị ong đốt, hãy rửa kỹ vùng da đó để loại bỏ nọc ong còn sót lại, sau đó chườm đá để giảm đau và sưng. Khi thực hiện, bạn đặt túi đá vào miếng vài rồi chườm vào vị trí vết ong đốt, giữ trong vài phút. Lặp lại nếu cần thiết.
2. Tinh dầu
Một số loại tinh dầu có đặc tính khử trùng, kháng khuẩn hoặc kháng nấm. Tinh dầu cây chè, hoa oải hương hay hương thảo có thể được sử dụng để làm dịu vết ong đốt.
Trước khi thoa tinh dầu lên da, hãy trộn nó với dầu nền trung tính, chẳng hạn như dầu ô liu. Cần lưu ý là tinh dầu có thể gây phản ứng dị ứng.
3. Gel lô hội
Nha đam là một loại gel có nguồn gốc từ thực vật, giúp làm dịu và làm ẩm cho da một cách tự nhiên. Theo một nghiên cứu năm 2015, chiết xuất từ nha đam có thành phần chống viêm và kháng khuẩn.
Thoa một ít gel lên vết ong đốt có thể làm giảm sưng tấy và ngăn nhiễm trùng.
4. Mật ong
Mật ong có nhiều dược tính, chứa nhiều hợp chất chống viêm nên có thể giúp giảm sưng tấy.
Các chất kháng khuẩn tự nhiên trong mật ong cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng tốc độ chữa lành.
Lưu ý: Nếu một người có phản ứng dị ứng với vết ong đốt, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Bác sĩ cho biết, nếu vết sưng lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như mặt hoặc cổ, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức vì bạn có thể bị phản ứng dị ứng. Các dấu hiệu khác của phản ứng dị ứng bao gồm khó thở, buồn nôn, nổi mề đay hoặc chóng mặt,...
Mời độc giả xem thêm video: Nên mua mật ong rừng vào mùa khô