Bí quyết của người dân tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Bí quyết của hạnh phúc tại Phần Lan là biết đủ, hài lòng với cuộc sống của mình. Người dân tại nước này cũng đề cao tinh thần vượt qua nghịch cảnh.
Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc ngày 20/3 công bố báo cáo “hạnh phúc thế giới” hàng năm, đánh giá mức độ hạnh phúc ở các quốc gia trên thế giới. Phần Lan đã đứng đầu bảng trong năm thứ 6 liên tiếp.
Tuy nhiên, với nhiều người Phần Lan, bảng xếp hạng đó chỉ ra một thực tế phức tạp hơn.
“Tôi không cho rằng chúng tôi rất hạnh phúc. Tôi thực sự hơi hoài nghi về từ đó”, Nina Hansen, 58 tuổi, giáo viên tiếng Anh đến từ thành phố Kokkola, chia sẻ với New York Times.
Bà Hansen nằm trong số hơn chục người Phần Lan mà tờ báo này phỏng vấn về những điều khiến nước này trở thành một quốc gia hạnh phúc.
Trong khi nhiều người ca ngợi lưới an sinh xã hội mạnh mẽ của Phần Lan, ảnh hưởng tích cực của thiên nhiên lên tâm lý và niềm vui cá nhân đối với thể thao hoặc âm nhạc, họ cũng nói về cảm giác tội lỗi, lo lắng và cô đơn.
Thay vì “hạnh phúc”, họ nhiều khả năng sẽ mô tả người Phần Lan là "khá u sầu", “hơi ủ rũ” hoặc không thích cười một cách không cần thiết. Nhiều người cũng bày tỏ quan ngại về những mối đe dọa đối với lối sống của mình.
Từ đó, New York Times cho rằng ngay cả những người hạnh phúc nhất thế giới cũng không thực sự hạnh phúc đến vậy. "Hạnh phúc" của họ dường như là thái độ hài lòng với cuộc sống.
"Hạnh phúc là biết đủ"
Arto O. Salonen, giáo sư tại Đại học Đông Phần Lan, giải thích rằng người dân nước này hài lòng với cuộc sống bền vững. Họ coi thành công tài chính là khả năng xác định và đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
“Nói cách khác, khi bạn biết thế nào là đủ, bạn sẽ hạnh phúc”, ông cho hay.
Teemu Kiiski, Giám đốc điều hành của Phần Lan Design Shop, cho biết chất lượng cuộc sống cao ở Phần Lan bắt nguồn sâu xa từ hệ thống phúc lợi của quốc gia này.
“Điều đó làm cho người dân cảm thấy an toàn và yên tâm, không bị xã hội bỏ rơi”, ông Kiiski, 47 tuổi, sống ở Turku, cho biết.
Hỗ trợ của chính phủ dành cho giáo dục và nghệ thuật, bao gồm cả tài trợ cá nhân cho nghệ sĩ, mang lại cho những người như nghệ sĩ Hertta, vợ của ông, quyền tự do theo đuổi đam mê sáng tạo.
“Điều đó cũng ảnh hưởng đến loại hình tác phẩm mà chúng tôi sáng tạo ra, vì chúng tôi không phải nghĩ đến giá trị thương mại của nghệ thuật. Do vậy, những gì nhiều nghệ sĩ ở đây làm rất mang tính thử nghiệm”, bà Kiiski, 49 tuổi, cho biết.
Quốc gia Bắc Âu này và các nước láng giềng như Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển và Na Uy đều đạt điểm rất cao trong các tiêu chí, bao gồm tuổi thọ khỏe mạnh, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tham nhũng thấp.
Trong khi đó, là một người da đen ở Phần Lan - nơi có hơn 90% là người da trắng - ông Jani Toivola, 45 tuổi, cảm thấy cô đơn trong phần lớn cuộc đời mình.
Phần lớn cuộc đời của ông Toivola đã vắng bóng người cha. Ông Toivola, có mẹ là người da trắng, đã phải vật lộn để tìm ra những hình mẫu người da đen phù hợp với chính mình.
Năm 2011, ông Toivola đã trở thành thành viên da đen đầu tiên tại Quốc hội Phần Lan. Tại đây, ông đã giúp lãnh đạo cuộc đấu tranh hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Sau hai nhiệm kỳ, ông Toivola rời chính trường để theo đuổi diễn xuất, khiêu vũ và viết lách. Ông hiện sống ở Helsinki cùng chồng và con gái, cũng như tiếp tục vận động cho quyền của cộng đồng LGBT ở Phần Lan.
“Là một người đồng tính nam, tôi vẫn nghĩ việc chứng kiến con gái mình lớn lên là một điều kỳ diệu”, ông chia sẻ.
Áp lực phải sống xứng với danh tiếng quốc gia
Nhiều người thường tin rằng sẽ dễ cảm thấy hạnh phúc hơn ở một đất nước như Phần Lan, nơi chính phủ đảm bảo một nền tảng an toàn để xây dựng cuộc sống viên mãn và tương lai đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó cũng có thể tạo ra áp lực phải sống xứng với danh tiếng quốc gia.
Hiểu về đặc quyền mà bản thân nhận được, Clara Paasimaki, 19 tuổi, một trong những học sinh của bà Hansen, khẳng định người Phần Lan ngại nói là mình “không hài lòng với một điều gì đó”. Nguyên nhân là họ hiểu rằng mình đang được hưởng những điều tốt hơn so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những nước ngoài Bắc Âu.
Frank Martela, nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Aalto, đồng tình với nhận định của Paasimaki.
“Việc Phần Lan là ‘quốc gia hạnh phúc nhất thế giới’ trong 6 năm liên tiếp có thể bắt đầu gây áp lực lên mọi người. Nếu người Phần Lan chúng ta đều hạnh phúc như vậy, tại sao tôi lại không hạnh phúc?”, ông đặt câu hỏi.
“Nếu vậy, việc tụt xuống vị trí quốc gia hạnh phúc thứ hai có thể tốt cho hạnh phúc lâu dài của Phần Lan”, ông nói thêm.
Lối sống của người Phần Lan được tóm tắt trong từ “sisu”, đặc điểm được cho là một phần của tính cách dân tộc. Từ này tạm dịch là “quyết tâm khi đối mặt với khó khăn”, chẳng hạn trong mùa đông dài của đất nước. Ngay cả trong nghịch cảnh, người Phần Lan được cho là sẽ kiên trì, không phàn nàn.
“Khi việc sinh tồn còn khó khăn trong mùa đông, người Phần Lan đã phải vất vả đấu tranh. Tinh thần ấy sau đó được di truyền qua nhiều thế hệ”, Matias From, bạn cùng lớp của cô Paasimaki, cho biết.
Theo cô, cả thế hệ ông bà và cha mẹ mình đều cứng rắn và không chùn bước trước bất cứ điều gì.
Lo ngại
Kể từ khi nhập cư từ Zimbabwe vào năm 1992, bà Julia Wilson-Hangasmaa, 59 tuổi, đã đánh giá cao sự tự do mà Phần Lan dành cho mọi người để theo đuổi ước mơ mà không phải lo lắng về việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Tuy nhiên, bà cũng chứng kiến sự gia tăng của tâm lý chống người nhập cư, đồng thời lo lắng về tính bền vững của chất lượng cuộc sống cao ở Phần Lan.
“Nếu chúng ta có thái độ 'Phần Lan dành cho người Phần Lan', ai sẽ chăm sóc chúng ta khi về già?”, bà nói, đề cập đến một khẩu hiệu phổ biến của phe cánh hữu.
Trong khi đó, Tuomas Rounakari, 46 tuổi, một nhà soạn nhạc nổi tiếng ở Phần Lan, lo ngại trước việc các tổ chức như đảng Phần Lan cực hữu - đại diện cho các chính sách thờ ơ trước biến đổi khí hậu - ngày càng được ủng hộ.
Kho báu tự nhiên của Phần Lan, khoảng 1/3 trong số đó nằm trên Vòng Bắc Cực, đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của khủng hoảng khí hậu.
Bên cạnh đó, nhiều người Phần Lan cũng tìm thấy niềm vui và hy vọng ở thể thao và âm nhạc. Nhiều người cũng cho rằng sự phong phú của thiên nhiên là yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của Phần Lan.
Gần 75% diện tích Phần Lan được bao phủ bởi rừng và tất cả đều cho phép mọi người tiếp cận nhờ một luật gọi là “jokamiehen oikeudet”, hay “quyền của mọi người”. Điều đó cho phép mọi người tự do đi lại trong bất kỳ khu vực thiên nhiên nào, trên đất công hoặc đất tư nhân.
Việc Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có lẽ không phải vì họ hạnh phúc hơn so với người dân nước khác, mà là vì họ đặt kỳ vọng cho hạnh phúc của bản thân ở mức vừa phải hơn, theo New York Times.
Và nếu mọi chuyện không được như kỳ vọng, họ vẫn kiên trì bước tiếp, theo tinh thần sisu.