Bí quyết của những phụ nữ khởi nghiệp thành công

Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào 'Phụ nữ khởi nghiệp', trên địa bàn Nghệ An đã xuất hiện hàng trăm mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Họ không chỉ tạo ra những giá trị kinh tế, lợi ích cộng đồng mà còn là tấm gương phụ nữ tiêu biểu giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Sôi động mô hình khởi nghiệp

Chị Trần Thị Như Hoa (SN 1979), trú tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, từng là một bà mẹ khuyết tật, một mình nuôi con với nhiều khó khăn vất vả. Vượt qua nghịch cảnh, chị trở thành bà chủ một xưởng may đặc biệt; bởi trong hơn 10 thợ may của chị, phần lớn gặp khiếm khuyết về cơ thể.

Chị Trần Thị Như Hoa (áo trắng) cùng nhân viên của mình tại xưởng may trên đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài (đoạn trên địa bàn xã Hưng Lộc, TP. Vinh). Ảnh: Thanh Nga

Chị Trần Thị Như Hoa (áo trắng) cùng nhân viên của mình tại xưởng may trên đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài (đoạn trên địa bàn xã Hưng Lộc, TP. Vinh). Ảnh: Thanh Nga

Chị Hoa kể, chị tiếp cận nghề may khi đã trải qua nhiều nghề như buôn hoa quả, buôn bán tạp hóa để có tiền nuôi con. Chị học may tại xưởng với nhiều “vai phụ” như làm khuy, đơm cúc, may những sản phẩm đơn giản. Sau một thời gian nỗ lực, chị trở thành thợ cả và đứng được các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao.

Chị Trần Thị Như Hoa tại xưởng may với hơn 10 công nhân cho doanh thu mỗi năm khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga

Chị Trần Thị Như Hoa tại xưởng may với hơn 10 công nhân cho doanh thu mỗi năm khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga

Sau một thời gian ngắn học việc tại xưởng may chị Hoa mạnh dạn mở cơ sở riêng. Ban đầu chị chỉ tuyển một vài nhân viên, đến khi lượng khách càng tăng, chị nhận thêm nhiều nhân viên và trả lương cho họ ở mức ổn định từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Nhân công đến với chị khi chưa có tay nghề, chị đã đào tạo để họ có thể đảm đương được những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cắt may phức tạp, cùng chị tạo ra những sản phẩm thời trang mới.

Chị Trần Thị Như Hoa tại gian hàng trưng bày sản phẩm may thời trang của mình. Ảnh: NVCC

Chị Trần Thị Như Hoa tại gian hàng trưng bày sản phẩm may thời trang của mình. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về những thành quả sau hơn 10 năm khởi nghiệp, chị Trần Thị Như Hoa cho biết: Tiệm may mặc của tôi nay rất đông khách đến đặt hàng, dù quá tải nhưng chúng tôi luôn đúng hẹn và nhận được những lời ngợi khen từ khách hàng. Mỗi năm tiệm của chị có doanh thu trung bình khoảng 600 triệu đồng.

Chị Hoa cho biết thêm, nghề may thời trang nay không còn chiếm ưu thế trong thị trường như cách nay tầm 10 năm, nhưng tiệm may của chị vẫn đông khách là bởi biết cách khai thác nhóm đối tượng mà mình hướng đến và luôn luôn chăm chút sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hằng đang thuyết trình sản phẩm dược liệu của mình trong Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp". Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Hằng đang thuyết trình sản phẩm dược liệu của mình trong Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp". Ảnh: NVCC

Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công bằng những mô hình sản xuất, kinh doanh có tính bền vững cao; như mô hình thảo dược của chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thảo dược Hằng Moon, xã Lam Sơn (Đô Lương) được thành lập từ năm 2021. Chị Hằng là chủ Dự án "Đưa thảo dược vùng quê vươn ra thị trường" vừa được vinh danh tại cuộc thi do Trung ương Hội Phụ nữ tổ chức với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, phát huy tài nguyên bản địa". Dự án của chị được đánh giá cao bởi tính sáng tạo và tính thân thiện an toàn. Sản phẩm chăm sóc da, tóc... được cơ sở của chị làm bằng những dược liệu trồng ngay tại quê hương như sả, cỏ hôi, ngải cứu, hương nhu.

Mô hình sản phẩm từ dược liệu của chị Nguyễn Thị Hằng xã Lam Sơn (Đô Lương) tại cuộc thi Ngày Phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Mô hình sản phẩm từ dược liệu của chị Nguyễn Thị Hằng xã Lam Sơn (Đô Lương) tại cuộc thi Ngày Phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Hằng kể, năm 2018 khi biết rõ cây dược liệu có nhiều tính năng chữa lành, làm sạch và làm đẹp một cách an toàn, chị quyết định xây dựng mô hình. Ban đầu sản phẩm chưa được người tiêu dùng để ý, chị tặng khách hàng dùng thử. Khi đã chiếm được tình cảm của khách vì hiệu quả của sản phẩm, chị mới quảng bá rộng rãi. Đặc tính của vùng nông thôn người dân thích dùng những sản phẩm đã ăn sâu vào tiềm thức lại có giá rẻ, thế nên, việc thay đổi thói quen của họ quả là điều không dễ dàng. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, bằng niềm đam mê với dược liệu, chị Hằng và các cộng sự đã thành công.

“Tôi vốn là giáo viên Địa lý, hai người bạn của tôi có một người là giáo viên Hóa học, người nữa có bằng dược sĩ, nên chúng tôi khá tự tin về hiệu quả và tính an toàn của sản phẩm. Vì vậy, đến nay sản phẩm ít nhiều đã có chỗ đứng trong cộng đồng, mỗi năm cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng”.

Thiết thực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp

Trong nửa nhiệm kỳ qua, để hỗ trợ hội viên, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-BTV ngày 01/08/2023 "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công" nhiệm kỳ 2023-2026 gắn với việc thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” hằng năm.

Đồ họa: Hữu Quân

Đồ họa: Hữu Quân

Các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng các hoạt động và tham mưu cho UBND cấp kinh phí thực hiện đề án năm 2024 gần 2.223 triệu đồng, đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả đề án.

Thời gian qua, hội đã tập trung tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho cán bộ hội các cấp, hội viên phụ nữ, nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, khởi nghiệp, hướng dẫn thành lập mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Vận động, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tham gia "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An và Hội LHPN tỉnh tổ chức.

BàLê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Bà Giang cũng cho biết, đến nay các cấp hội đã tổ chức hỗ trợ nâng cao năng lực cho 3.117 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ cho 616 ý tưởng kết nối tiếp cận nguồn vốn là 34,4 tỷ đồng; phối hợp mở các lớp dạy nghề và giới thiệu tham gia học nghề cho 24.989 lao động nữ, sau đào tạo đã có 18.136 lao động có việc làm.

Trong nửa nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập 7 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ với 77 thành viên là nữ gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp tại 2 xã Nghĩa Yên và Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn; Hợp tác xã Sen Vàng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh; HTX Sản xuất và Chế biến đậu phụ Hải Hoàng tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh; HTX Sản xuất và Chế biến lươn đồng xứ Nghệ, xã Hưng Chính, TP. Vinh; HTX Nông nghiệp và Thủ công mỹ nghệ bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con cuông; HTX Trồng dâu tằm, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương.

Toàn tỉnh thành lập 73 tổ hợp tác với 1.130 thành viên tham gia. Sau khi thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác được các cấp hội kết nối hỗ trợ vay vốn, tập huấn các kiến thức về quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm theo hướng hiện đại; các quy định, tiêu chuẩn khi xây dựng sản phẩm OCOP; Tập huấn về nghiên cứu thị trường và xác định phân khúc thị trường mục tiêu; Tập huấn về cách thức quản lý vận hành gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, tập huấn KHKT về nuôi, trồng an toàn theo hướng VietGAP, kỹ năng quản lý kinh tế, kinh doanh phát triển kinh tế…

Thanh Nga

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/bi-quyet-cua-nhung-phu-nu-khoi-nghiep-thanh-cong-10274987.html