Bí quyết đăng ký nguyện vọng đại học năm 2025 phù hợp sở thích, sở trường

Có nhiều sự lựa chọn, nhưng các bạn trẻ cần hiểu ngày hôm nay nếu lựa chọn đúng ngành học phù hợp thì chính là đã chọn đúng nghề nghiệp trong tương lai của mình.

Hơn 1,1 triệu thí sinh vừa hoàn thành kỳ thi THPT cần biết là 230 đại học, trường đại học, học viện ở Việt Nam sẽ tuyển sinh gần 720.000 sinh viên đại học chính quy trong năm 2025. Cơ hội trở thành sinh viên là không quá khó khăn với thế hệ sinh năm 2007. Nhưng sẽ vô cùng lãng phí thời gian, công sức và chi phí trong 3-5 năm tới nếu bây giờ thí sinh không lựa chọn đúng ngành học phù hợp cho nghề nghiệp tương lai của mình.

Mỗi thí sinh đều cần có phương pháp hợp lý để lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp với bản thân, nhắm tới việc trúng tuyển được đúng nguyện vọng mà mình ưa thích.

Trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải nhập lựa chọn trường sau đó sẽ lựa chọn chương trình đào tạo. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho các thí sinh là: Hãy tư duy theo phương pháp lựa chọn từ ngành học đến chương trình đào tạo và cuối cùng là trường.

Sau đây là 5 bí quyết để thí sinh lựa chọn nguyện vọng xét tuyển thành công do các bạn sinh viên của nhóm Hướng nghiệp TeenCodes.vn đã chia sẻ với phóng viên từ nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của chính mình.

Tân sinh viên Đặng Gia Bảo vừa trúng tuyển vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội trong niềm hân hoan của mẹ và cô giáo chủ nhiệm THPT. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lập danh sách các ngành đào tạo phù hợp với bản thân

Hiện nay ở Việt Nam có hơn 600 ngành đào tạo trình độ đại học đang được tuyển sinh thuộc 24 lĩnh vực khác nhau. Dù các ngành này đều có tên gọi khá dễ hiểu, sát với đặc trưng của nghề nghiệp nhưng cũng là một ma trận mà các thí sinh không dễ dàng sàng lọc kỹ được. Thật may mắn là các ngành nghề này đều liên quan ở các mức độ khác nhau với 6 thể loại sở thích năng lực nghề nghiệp của con người.

Thí sinh nên lựa chọn những ngành học liên quan từ 2-3 thể loại gắn với các thế mạnh và sở thích nổi bật của mình để lập nên danh sách 20-30 ngành ưa thích. Trong đó có ngành học mang tính tổng hợp của nhóm ngành và các ngành chuyên sâu (chuyên ngành hẹp).

Rút gọn danh sách mục tiêu theo điều kiện và năng lực

Trong 23 lĩnh vực đào tạo có yêu cầu khác nhau về chất lượng đầu vào và gắn với một số môn học ở trung học phổ thông hoặc môn năng khiếu. Thí sinh cần tự đánh giá năng lực của bản thân (kết quả học tập, điểm thi) để tập trung vào lĩnh vực và ngành học mà mình có thế mạnh (hoặc cơ hội phát triển) trong danh sách rút gọn với 10-15 ngành mục tiêu. Nên tận dụng những điều kiện hỗ trợ khác nếu có (truyền thống gia đình, cơ hội việc làm trong tương lai,..), danh sách mục tiêu có thể chỉ còn 5-7 ngành đào tạo.

Lựa chọn trường theo ngành đào tạo mục tiêu

Thí sinh đang đăng ký xét tuyển đại học kết hợp công cụ tra cứu của nhóm Teencodes.

Đa số các trường đại học ở Việt Nam đào tạo nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Mỗi trường có điều kiện khác nhau (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giá trị của tấm bằng tốt nghiệp và mức độ cạnh tranh cũng tăng theo điều kiện của từng trường. Vì vậy thí sinh cần lập danh sách khoảng 5-10 trường mục tiêu đang tuyển sinh ngành mục tiêu đã chọn. Thí sinh cần lựa chọn trường theo khu vực địa lý phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và nguyện vọng của bản thân, mỗi ngành cần 1-4 trường đại học (mỗi trường có thể gồm nhiều ngành mục tiêu).

Lập danh sách các chương trình đào tạo mục tiêu

Mỗi trường đại học cũng quy định riêng đối với từng ngành (có thể gồm các chương trình đào tạo khác nhau) và thí sinh phải đăng ký theo từng chương trình trên cổng tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó chi phí học tập cho toàn bộ chương trình học cũng khác nhau (gồm học phí và các sinh hoạt phí). Thí sinh cần tham khảo kỹ các yếu tố này để lựa chọn các chương trình phù hợp với điều kiện của gia đình. Danh sách lựa chọn cuối cùng nên tập trung vào 3-5 ngành mục tiêu với khoảng 8-12 chương trình đào tạo.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng

Đây là bước cuối cùng và quan trọng nhất. Với danh sách 8-12 nguyện vọng xét tuyển (đã lựa chọn theo chương trình đào tạo), thí sinh cần sắp xếp vào 4 nhóm theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp:

Nhóm Kỳ vọng cao nhất (1-2 chương trình): Khi chưa công bố điểm chuẩn chính thức và mức độ cạnh tranh, thí sinh hoàn toàn có thể mạnh dạn đặt những nguyện vọng cao hơn so với dự đoán của bản thân.

Nhóm Lựa chọn mục tiêu (3-4 chương trình): Dành cho những nguyện vọng phù hợp nhất với sở thích và năng lực của thí sinh (tham khảo phổ điểm thi THPT để đánh giá khả năng cạnh tranh của bản thân).
Nhóm Nguyện vọng linh hoạt (2-3 chương trình): Thí sinh nên chọn theo các ngành có tính tổng quát (sau này có thể chuyển đổi sang các ngành tương tự) hoặc có chỉ tiêu tuyển sinh lớn (khả năng trúng tuyển cao).
Nhóm Dự phòng - An toàn (2-3 chương trình): Gồm các chương trình có cơ hội trúng tuyển gần như chắc chắn (điểm chuẩn – ngưỡng đầu vào thấp), số lượng tuyển sinh lớn tuy nhiên thường có học phí cao hoặc giá trị bằng cấp chưa uy tín.

Tuấn Ngọc - Hoài Linh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bi-quyet-dang-ky-nguyen-vong-dai-hoc-nam-2025-phu-hop-so-thich-so-truong.html