Bí quyết để cùng con vượt qua tuổi dậy thì thành công
Khi con bước vào tuổi dậy thì, nhiều cha mẹ luôn trong tình trạng căng thẳng than rằng bất lực và nhiều khi không biết phải làm thế nào.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết rất nhiều phụ huynh đã chủ quan với sự thay đổi tâm lý của trẻ ở độ tuổi dậy thì. Vì vậy họ cũng không trang bị cho mình những kỹ năng để cùng con đồng hành vượt qua độ tuổi ẩm ương này điều đó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý, để nhận biết con đang bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, bố mẹ cần chú ý đến là sự thay đổi về tâm lý của con.
Dưới đây là một số sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ ở tuổi dậy thì mà bà Phạm Hiền đưa ra và hướng dẫn các cách bố mẹ nên làm.
Dễ tự ái, bất cần
Vì bản thân các con đã lớn hơn và luôn muốn được cha mẹ ứng xử như một người lớn. Tuy nhiên thường thì cách nói, ứng xử của cha mẹ chưa lớn lên theo con nên vẫn là sự quát mắng như khi con bé.
Bạn hãy thử thay đổi để nói chuyện với con lịch sự như những người bạn, người đồng nghiệp....
Dễ nổi nóng, bốc đồng, bùng nổ
Vì bản thân bọn trẻ nghĩ chúng đã lớn nhưng suy nghĩ và khả năng nói thuyết phục, khả năng giải quyết vấn đề... chưa lớn. Trong khi đó, cha mẹ thì luôn muốn con phải thế này, phải thế kia nhanh chóng khiến con căng thẳng. Những lúc như thế này con trẻ hay dùng cảm xúc tiêu cực để đối phó.
Điều cần làm nhất của cha mẹ lúc này là thử bình tĩnh chia sẻ, tháo gỡ... trong sự hợp tác tất cả các vấn đề được hay không được... coi như bạn đang trong một cuộc trao đổi công việc với đối tác.
Dễ lì lợm đến không cảm xúc
Đến độ tuổi dậy thì, hầu hết các bé không muốn ai nói nhiều đặc biệt không muốn chỉnh, giáo huấn... nên đã tự tạo tấm rào cản cho khả năng nghe của bản thân.
Nếu các bậc làm cha làm mẹ không nắm rõ được tâm lý của con cái mình, vẫn tiếp tục giữ thói quen "nói nhiều" thì mọi thứ sẽ nằm ngoài tấm rào chắn đó và không ảnh hưởng gì đến con.
Bạn nên thử hài hước với mỗi vấn đề cần nói và đừng chỉnh, hay giáo huấn con mình vội hãy coi như bạn đang nói chuyện với một người bạn khó tính.
Dễ chống đối và phản kháng
Một đặc điểm tâm lý ở độ tuổi mới lớn này là luôn muốn theo ý mình và mọi vấn đề không theo suy nghĩ sẽ như chiếc xe bọc thép chống đạn sẽ phát huy tác dụng ngay lập tức.
Những lúc như thế cha mẹ dùng thái độ và cảm xúc tiêu cực để đả kích những vấn đề của con sẽ khiến con luôn nỗ lực để bảo vệ bản thân cao độ.
Bạn hãy kìm nén, nhẫn nại để thử lắng nghe con như bạn đang ở bộ phận chăm sóc khách hàng và phải giải quyết khiếu nại hay thắc mắc của vị khách hàng đòi hỏi, khó tính. Làm được điều này mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái sẽ được cải thiện.
Dễ buông bỏ, sợ thử thách
Trong giai đoạn dậy thì, tâm trạng của trẻ thay đổi thất thường, buồn vui bất chợt từ các tác động xung quanh, luôn sợ người khác không công nhận, vội vàng không kiên trì, kém trách nhiệm.
Ở độ tuổi tâm sinh lý phức tạp, cha mẹ cần giao tiếp cởi mở với con. Bạn thử ứng xử với con như bạn đang phải đào tạo một nhân viên mới tiếp quản công việc... luôn động viên và hướng dẫn nhân viên chi tiết.... và quan trọng là sẵn sàng cho họ mắc sai lầm...
Dễ thần tượng bạn bè, người khác hơn cha mẹ
Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ khi dậy thì chúng lại luôn muốn gắn kết bạn bè như không thể thiếu. Vì vậy chẳng may cha mẹ chê bai bạnchúng, chúng sẽ xù lông nhím để bảo vệ bạn đến cùng
Cha mẹ thì cứ bắt con phải chọn bạn mà chơi, can thiệp, cấm đoán các mối quan hệ của con.... thế là con bảo vệ bạn mà hỗn hào.
Bạn nên bình tĩnh thử đặt bản thân mình vào vị trí của con khi vợ/ chồng chê bạn của bạn, bạn sẽ thông cảm được cảm xúc của con mình.
Dễ sa đà tình cảm khác giới
Đến giai đoạn của tuổi dậy thì, các bạn bắt đầu muốn làm người lớn, có thể xuất hiện cảm xúc với bạn khác giới hoặc thấy bạn có thì mình cũng có.
Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng thích là không có lỗi nên đừng mắng cấm, mà càng cấm càng thèm nên con càng thích.
Lúc này, cha mẹ thử biến thành quân sư cho con như bạn đang là quân sư cho một người bạn thân hoặc một người em mà bạn vẫn thường làm như vậy.
Dễ phán xét cha mẹ
Con bạn độ tuổi này đã có nhận thức trong sự so sánh, phân biệt giữa cha mẹ của bạn bè hoặc trên phim ảnh, sách báo... Hoặc nhiều bất đồng quá giữa cha mẹ và con nên cũng có sự ác cảm khi có vấn đề .
Khi bạn gặp tình huống này hãy thử vô tư, thoải mái ... không phán xét con, thậm chí nhận lỗi nếu không đúng với con.... và nhẹ nhàng định hướng khi con mắc lỗi...
Dễ dán nhãn mình đúng và cha mẹ sai
Ở lứa tuổi dậy thì, bất kỳ vấn đề gì cũng luôn cho rằng cha mẹ không hiểu mình hoặc bắt ép mình và tìm mọi lý lẽ để bảo vệ suy nghĩ, hành động của bàn thân.
Bạn đừng nên tức giận trong cách dạy dỗ con cái lúc này mà hãy thử không bao giờ nói con sai mình đúng mà chỉ cùng con tìm ra vấn đề và cách giải quyết....
Dễ ngộ nhận bản thân trước cha mẹ
Khi trẻ ở tuổi dậy luôn cho rằng mình là cái rốn của vũ trụ nên rất hiểu biết, chủ quan trong việc mọi thứ là dễ dàng chỉ là muốn hay không.
Để uốn nắn những suy nghĩ ngộ nhận của con trẻ, bạn thử bắt đầu giao trọng trách quyết định dần một số việc trong gia đình và công nhận khi con làm được với tất cả những gì con đã làm.
Dễ chán nản và tổn thương
Con trẻ ở lứa tuổi dậy thì rất dễ áp lực từ các mối quan hệ bạn bè, cha mẹ, chúng cũng nhạy cảm khi bị chê bai, bị nói xấu.
Để cứu con ra khỏi sự tự ti, bạn thử lắng nghe cảm xúc của con và trấn an bằng việc cùng con tìm cách vượt qua bởi những hành động cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại ở nói.
Dễ adua và sống ảo
Con bạn đã bao giờ đua đòi bằng bàn bè chưa, bạn biết mình cũng phải biết những gì gọi là theo trào lưu, không cần phân biệt nên không nên cứ thấy không bị lạc lõng và bị coi là không biết gì là được.
Rơi vào hoàn cảnh này các bậc cha mẹ hãy thử đừng chỉ biết cấm mà vào cuộc đọc, xem hay chơi cùng con, từ đó cùng trao đổi như những người bạn của con, nhóm bạn của con và định hướng thật khéo léo.....
Gồng mình giấu yếu kém
Độ tuổi dậy thì, con trẻ cũng rất sợ bị phát hiện nhược điểm trong tính cách. Khi cha mẹ càng đọc ra, nói ra thì con càng gồng mình phủ nhận và tiếp tục phát triển hơn sự giấu diếm để khẳng định bản thân không như vậy.
Với cha mẹ, lúc này cần lắm sự lắng nghe và tìm hiểu vấn đề cùng con để tháo gỡ chứ không phải cho rằng con là vấn đề để mổ xẻ. Bạn thử không nói nhược điểm của con mà nói mong muốn thậm chí dán nhãn tích cực con đã..., con sẽ... để con lắng nghe hơn và dần hấp thụ thay đổi.