Bí quyết giúp người phụ nữ tạo ra món ăn trứ danh, 'du ngoạn' khắp xứ Hàn
Những ngày đầu bén duyên với nghề, bà Huệ đối mặt với hàng chục lần thất bại bởi sợi mì sấy lên không đẹp, vỡ vụn. Nhưng sự đam mê không cho phép bà dừng lại và vỡ òa khi mì Quảng khô được xuất sang Hàn Quốc.
Bận rộn với công việc những ngày cuối năm, sắp xếp mãi bà Huệ cũng cho chúng tôi “mục sở thị” xưởng sản xuất vào 4h sáng - thời điểm hàng ngày xưởng bắt đầu 'đỏ lửa' đáp ứng nhu cầu các đơn hàng gần xa…
Chuông đồng hồ báo thức vang lên, thành phố vẫn chìm trong “giấc ngủ”, nhưng con hẻm khối phố Phương Hòa Tây (phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) đã sáng đèn. Nơi đây có xưởng sản xuất mì Quảng của nhà bà Phan Thị Huệ.
Sáng sớm, người ra vào xưởng nhỏ nằm cạnh ngôi nhà bà Phan Thị Huệ (50 tuổi) đã tấp nập, tay xách từng túi lớn đựng sợi mì Quảng tươi. Nhiều vị khách được hỏi chia sẻ, họ đến lấy hàng sớm để kịp cung ứng đến cửa hàng ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Hành trình đưa mì Quảng đến mọi miền đất nước
Vừa chia sẻ về quy trình sản xuất, bà Huệ thoăn thoắt với chiếc gậy sắt, khuấy nước gạo đã xay nhuyễn, từng giọt lớn chảy xuống băng chuyền, đi qua lò tráng đến vị trí cắt sợi… Các công đoạn này đều thực hiện tự động.
Sợi mì cắt nhỏ, trắng, không đứt gãy. Khi sợi mì đắp đầy khay, một nhân viên sẽ di chuyển thành phẩm sang vị trí khác, cắt đôi, đặt vào túi nilon.
“Sợi mì ngon là không có chất bảo quản, mềm, dai, không bị bở”, bà Huệ chia sẻ.
Mở lòng về hành trình của sợi mì Quảng, ánh mắt bà sáng lên, chăm chú kể. Trước đây, gia đình bà 4 người tráng bánh trên bếp truyền thống. Năm 2004, tiệm nhỏ của bà nức tiếng trong vùng với 300kg mì Quảng tươi xuất bán mỗi ngày.
Đến năm 2012, muốn mở rộng xưởng sản xuất, bà Huệ quyết định đầu tư dây chuyền tự động. Từ đây, sợi mì sản xuất nhanh hơn, nâng sản lượng lên gấp nhiều lần. Thời điểm này, do chưa quen máy móc hiện đại, nhiệt độ không chuẩn, bột tráng chưa ổn định, đều, sợi mì hỏng liên tục. Bà mất 4 tháng tìm ra lỗi để đưa sợi mì đúng nguyên bản tráng truyền thống.
Khi đó, sợi mì Quảng của gia đình bà nhận phản hồi từ khách hàng đảm bảo độ mềm, dai, không bở và không dùng chất bảo quản. Mặt hàng tốt, khách hàng “nối đuôi” nhau đến đặt, người vài kilogam, người chục kilogam, có người đặt trăm kilogam mỗi ngày.
Tiếng lành đồn xa, mì Quảng của bà là nơi tin cậy, thu hút được nhiều khách hàng lớn.
Bà Huệ khấp khởi: “Nhờ những lần này, tôi dần trau dồi kinh nghiệm cho chính sợi mì của mình. Đến bây giờ vẫn thấy tự hào, năm 2017, tôi nhận thông tin mì Quảng của mình được phục vụ các lãnh đạo cấp cao ở Tuần lễ Cấp cao APEC 2017”.
Niềm tự hào xen lẫn sự lo lắng, mọi công tác chuẩn bị như nguyên liệu, công đoạn chế biến được phái đoàn đến tận xưởng kiểm tra, thẩm định.
Bà Huệ nhớ lại, mọi công đoạn sản xuất không quá lo lắng vì đã giám sát chặt chẽ trước đây. Lo nhất trong quá trình vận chuyển, nhưng đội ngũ hậu cần quá chuyên nghiệp nên sản phẩm được phục vụ các lãnh đạo cấp cao đảm bảo an toàn, chất lượng. "Khi đó bản thân tôi thấy hãnh diện, vì vị quê như được nâng tầm vị thế…", bà nói với nét mặt đầy tự hào.
Đưa mì Quảng “du ngoạn” xứ sở kim chi
Nối tiếp thành công của sợi mì tươi, năm 2021, bà Phan Thị Huệ táo bạo, quyết tâm nghiên cứu sản xuất mì khô. Khi sợi mì khô tới tay khách hàng phương xa phải đảm bảo chất lượng, không mất đi vị nguyên bản của nó.
Những ngày đầu nghiên cứu sản phẩm, bà thất bại hàng chục lần bởi sợi mì sấy lên không đẹp, vỡ vụn. Sự đam mê không cho phép bà ngừng lại, tiếp tục điều chỉnh nhiệt độ sấy, thời gian tráng bánh, sử dụng gạo 13/2 ở quê làm nguyên liệu đầu vào… Thành phẩm cuối cùng là sợi mì khô đúng vị.
Sản phẩm được bà Huệ cung cấp tại cửa hàng rau sạch, siêu thị trên địa bàn. Nào ngờ, sợi mì khô nhiều người ưa chuộng, lan tỏa đến Hà Nội, TP.HCM. Bà niềm nở, có vị khách ở TP.HCM, không thích ăn mì Quảng, nhưng khi ăn mì của bà Huệ, chuyển sang ăn thường xuyên rồi xin luôn làm đại lý bán lẻ.
“Bước đột phá đến vào năm 2022, một công ty đặt mì khô của tôi gọi điện mong muốn nhận hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thoạt đầu, tôi không tin vì nghĩ hàng của mình chu du khắp đất nước là đã thành công. Nhưng khi nghe từ công ty trình bày, định hướng, tôi bắt đầu tìm hiểu và đồng ý”, bà hồ hởi kể lại câu chuyện sợi mì chuẩn bị đến xứ sở kim chi.
Công ty giúp bà Huệ mang sợi mì đi kiểm định, vượt qua nhiều thủ tục ngặt nghèo, sản phẩm của bà được Hàn Quốc chấp nhận. 4,2 tấn mì khô đầu tiên xuất khẩu sang Hàn Quốc đầu năm 2023.
“Sung sướng tột độ, vui mừng khi mặt hàng mình đến xứ sở kim chi. Tiếp đà thành công, 2 chuyến hàng tiếp theo được vận chuyển đến Hàn Quốc trong năm 2023”, người phụ nữ tuổi ngũ tuần thuật lại trong vui sướng.
Doanh thu 300 triệu/tháng và sẽ xuất khẩu đến Cộng hòa Séc
Đang kể, bà Huệ chạy vào trong, mang ra hai gói mì Quảng khô màu tím và vàng. Ánh mắt của bà đầy tự hào giới thiệu, đây là 2 sản phẩm mới, gồm mì nghệ và gạo lứt. Sản phẩm dành cho người ăn kiêng, rất được ưa chuộng trong thời gian qua, đặc biệt là mì Quảng gạo lứt.
Một năm là khoảng thời gian bà Huệ cho ra thành quả mì gạo lứt hôm nay: “Nhiều lần muốn từ bỏ vì quá khó, mì gạo lứt khác hoàn toàn gạo trắng. Từ việc lấy bột, xay gạo, ra mì, mọi công đoạn như mới. Gạo trắng khó một, gạo lứt ra được thành phẩm khó 10. Nếu không đúng nguồn nguyên liệu, nhiệt độ mọi thứ sẽ hỏng, mì vón cục, nát… May mắn sản phẩm được mọi người săn đón rất nhiều”.
Bà Huệ khoe, sản phẩm mì gạo lứt đã được công ty ở TP.HCM đặt hàng, đưa đi kiểm định. Trong năm nay, sẽ xuất khẩu đến Cộng hòa Séc.
Hiện mỗi ngày, với 7 người làm, xưởng của bà sản xuất 700kg mì tươi và 300kg mì khô cung ứng cho thị trường. Doanh thu hiện tại khoảng 300 triệu/tháng. Sản phẩm của bà cũng đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam.
Nói về tương lai, bà Phan Thị Huệ mở lòng, tiếp tục phát triển chất lượng của sợi mì cả tươi lẫn khô. Cùng với đó, xây dựng đơn hàng xuất đi nước ngoài đảm bảo hàng Việt chất lượng cao.
“Mong muốn sản phẩm dù cập bến những thị trường khó tính, vẫn được đón nhận tích cực. Sản phẩm đó sẽ góp phần đưa hình ảnh dải đất hình chữ S ấn tượng hơn trong mắt bạn bè quốc tế…”, bà Huệ kỳ vọng.