Bí quyết hồi sinh ngành du lịch của Campuchia
Với lượng du khách đến từ Trung Quốc, từng là dòng khách quốc tế chính của Campuchia, đang 'nhỏ giọt', quốc gia này có kế hoạch hồi sinh ngành du lịch như thế nào?
Đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020 và năm đó, ngành du lịch Campuchia sụt giảm 80% lượng khách du lịch. Năm 2021, con số này tiếp tục giảm thêm 85%.
Thời điểm đó, những người từng phụ thuộc du lịch đã phải đa dạng hóa nguồn thu nhập. Ngay cả những người không sống dựa chủ yếu vào du lịch cũng đang cảm thấy khó khăn.
Những đám mây đen của Covid-19 đã phủ bóng lên ngành du lịch Campuchia - một trong bốn trụ cột hỗ trợ nền kinh tế của quốc gia này.
Một phát ngôn viên của Cơ quan quốc gia Apsara - cơ quan quản lý "viên ngọc quý" Angkor Wat cho biết, vào thời kỳ đỉnh cao, nơi đây đã đón 8.000 du khách mỗi ngày. Nhưng hiện tại, lượng khách ghé thăm Angkor Wat chỉ bằng 1/4, khoảng 2.000 du khách/ngày.
Du khách đến từ Trung Quốc từng chiếm 40% lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế nghiêm ngặt ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã khiến dòng khách này đang dần cạn kiệt.
"Trải thảm đỏ" đón khách du lịch quốc tế
Trong thời kỳ đại dịch, các doanh nghiệp du lịch nhận được sự hỗ trợ của chính phủ như giảm thuế. Trong khi đó, lao động trong ngành bị mất việc nhận hỗ trợ 40 USD/tháng.
Năm 2021, Bộ Du lịch Campuchia đưa ra lộ trình phục hồi hướng tới khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch trong và sau đại dịch.
Tháng 10/2021, quốc gia này thử nghiệm "cơ chế hộp cát” - mô hình mở cửa du lịch cho phép khách du lịch quốc tế đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong và Dara Sakor kể từ ngày 30/11 mà không cần cách ly. Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế.
Song song với đó, quốc gia này nỗ lực đẩy nhanh việc xây dựng một sân bay quốc tế mới ở thủ đô Phnom Penh và xây dựng thêm nhiều cầu đường. Khi cơ sở hạ tầng mới được hoàn thiện, khách du lịch có thể đến những vùng ít được khám phá của Campuchia.
Ở Angkor Wat, Cơ quan quốc gia Apsara đã tận dụng thời gian ngừng hoạt động vì Covid-19 để trùng tu các phần của ngôi đền. Điều này giúp hơn 4.000 công nhân tại Angkor Wat giữ được việc làm trong thời gian dịch bệnh.
Ông Long Kosal, phát ngôn viên của Cơ quan quốc gia Apsara cho rằng: “Trước khi xảy ra đại dịch, chúng tôi đón rất nhiều du khách trên thế giới. Thời gian dịch bệnh, Angkor Wat đã được trùng tu. Bên cạnh đó, cổng vào Angkor Wat được dọn dẹp sạch sẽ. Các quầy hàng, trước đây tập trung gần lối vào đền, đã được chuyển sang khu vực khác".
Hiện tại, Cơ quan quốc gia Apsara có kế hoạch bắt đầu các chuyến tham quan văn hóa địa phương xung quanh Angkor Wat và ở Siem Reap, đồng thời, khởi động lại các tour du lịch bằng xe bò sẽ tập trung vào các ngôi làng gần đó, nơi khách du lịch có thể khám phá các thợ thủ công địa phương làm trống truyền thống từ thân cây và đồ lưu niệm bằng gỗ.
Vào giữa tháng 7/2022, các "cánh cửa" của ngành du lịch Campuchia đã được mở hoàn toàn.
Campuchia là một trong những nước đầu tiên "trải thảm đỏ" cho khách du lịch quốc tế, sau khi thực hiện các bước để kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Cho đến nay, khoảng 95% trong số 16 triệu người ở Campuchia được tiêm vaccine Covid-19 - một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới.
Bảy tháng đầu năm 2022, Campuchia đón hơn nửa triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch nội địa - nguồn cứu trợ cần thiết
Trong khi du khách nước ngoài giảm mạnh trong hai năm qua, khách du lịch nội địa là nguồn cứu trợ rất cần thiết cho ngành "công nghiệp không khói" của Campuchia.
Trong cả năm 2020 và 2021, khoảng 300.000 du khách nội địa đến thăm các điểm du lịch sinh thái. Riêng năm 2021, con số này lên đến khoảng nửa triệu.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra hy vọng, người dân địa phương có thể truyền bá hình ảnh quê hương đến phần còn lại của thế giới.
Ông Pheaktra nói: "Du lịch sinh thái rất quan trọng đối với chúng tôi bởi đây là những điểm đến mới, khai thác cảnh quan của Campuchia. Chúng tôi có rừng, ruộng lúa, cộng đồng người dân sinh sống giữ vai trò bảo tồn giá trị văn hóa. Họ có khả năng thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài đến thăm, đồng thời, khiến du khách nội địa thêm yêu mến đất nước".
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bi-quyet-hoi-sinh-nganh-du-lich-cua-campuchia-191913.html