Bí quyết khởi nghiệp thành công ở xứ sở mặt trời mọc

Từ những cửa hàng phục vụ cho cộng đồng người Việt ở Nhật, những startup của người Việt đã khởi nguồn và phát triển rực rỡ trên đất nước Mặt trời mọc.

Những cửa hàng phục vụ đồng hương đầu tiên

Theo số liệu thống kê mới nhất, Nhật Bản là quốc gia có cộng đồng người Việt lớn thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Campuchia), vượt qua một loạt những cộng đồng hình thành từ lâu đời ở hải ngoại như Pháp, Australia, Đức, Nga.... Tuy nhiên, khác với các cộng đồng khác, cộng đồng người Việt tại Nhật phát triển mạnh mẽ chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây dựa vào làn sóng du học, lao động thực tập sinh... của lớp trẻ trong nước. Theo thống kê cuối năm 2021, người Việt đã vượt qua Hàn Quốc, trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc) tại xứ sở Hoa anh đào.

Nhu cầu tiêu dùng hàng Việt tại Nhật Bản rất lớn, tập trung quanh các thành phố đông dân như Tokyo, Osaka. Thời kỳ bùng nổ số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản ban đầu, những mặt hàng tiêu dùng đậm chất Việt Nam như đồ gia vị, lương thực thiết yếu (nước mắm, mì tôm cốc, gia vị khô…) rất khó săn tìm, chủ yếu chỉ ở trong các kiện quà được gửi từ quê hương sang hoặc mua tạm ở các phố Tàu. Không ai còn lạ với cảnh người Việt xa quê phải mong chờ từng thùng bánh chưng, giò lụa, nem chua... đặt hàng qua điện thoại, gửi bưu điện đến từ 1-2 mối chợ Việt lâu năm mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Phạm Thanh Hoàng, một nghiên cứu sinh Việt Nam đã sống ở Nhật trong thời kỳ chuyển giao ấy, dưới vai trò là chuyên gia của Công ty Cổ phần HSC JAPAN – doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu có trụ sở ở thành phố Fukuoka, miền Nam Nhật Bản. Xuất phát từ sự đồng cảm với những thiếu thốn ấy, bằng con mắt kinh doanh nhạy bén, nhìn thấy cơ hội trong thách thức, Phạm Thanh Hoàng bắt tay khởi nghiệp và xây dựng chuỗi cửa hàng tạp hóa dành riêng cho người Việt, lấy tên là “HSC STATION - Vietnam no eki”. Theo ông Hoàng, tên của dự án lấy cảm hứng từ cụm từ “Michi no eki” trong tiếng Nhật, được hiểu là các cửa hàng bán đồ đặc sản ở các điểm du lịch hoặc trạm qua đường.

Chuỗi siêu thị hàng Việt Nam tại Nhật Bản

HSC STATION mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên vào tháng 11/ 2017 tại một trong những khu phố sau này trở thành khu tập trung đông người Việt nhất nhì ở Fukuoka: Hakozaki, quận Higashi, chỉ cách trung tâm thành phố Hakata một ga tàu.

Cơ sở HSC STATION đầu tiên ở Hakozaki.

Cơ sở HSC STATION đầu tiên ở Hakozaki.

Những ngày đầu tiên, cửa hàng bày bán khá ít mặt hàng, danh mục nghèo nàn và được trưng bày trong một tiệm tạp hóa vỏn vẹn 60 m2. Nhưng rồi HSC STATION nỗ lực không ngừng, bổ sung thêm đầu mục sản phẩm, thêm hàng hóa, tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm của khách hàng mỗi lúc một hài lòng. Đến nay, sau 5 năm liên tục cố gắng, HSC STATION đã có thêm 2 điểm bán lẻ, 1 cửa hàng online, 2 tổng kho buôn bán với diện tích hơn 500 m2, cung cấp hàng hóa cho gần 1.000 đối tác là cửa hàng, tiệm tạp hóa của người Việt, người Trung Quốc và người bản địa trên khắp nước Nhật.

Tháng 9/2019 mở cửa hàng thứ 2 ở Fukkodai. Tháng 8/2020 mở cửa hàng thứ 3 ở ga trung tâm Hakata. (Ảnh: Cửa hàng ở Fukkodai)

Tháng 9/2019 mở cửa hàng thứ 2 ở Fukkodai. Tháng 8/2020 mở cửa hàng thứ 3 ở ga trung tâm Hakata. (Ảnh: Cửa hàng ở Fukkodai)

Đặc biệt, từ cuối năm 2021, HSC STATION đã mạnh dạn đầu tư vào thương hiệu Asia no eki, mở siêu thị đồ châu Á quy mô lớn nhất Nhật bản với gần 1.000 mã sản phẩm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để xâm nhập vào mảng khách hàng quốc tế và người bản địa. Mảng này vốn từ trước đến nay thuộc về các siêu thị đồ châu Á của các ông lớn địa phương như Kaldi, Gyomu... Asia no eki hiện nay đã có 2 chi nhánh tại Fukuoka.

Asia no eki chi nhánh 2.

Asia no eki chi nhánh 2.

Ngoài hoạt động tự doanh, HSC STATION còn mở thêm hình thức nhượng quyền thương hiệu, để hỗ trợ cho các bạn trẻ Việt nam có ý định lập nghiệp, định cư lâu dài tại Nhật Bản.

Chinh phục thị trường khó tính

Nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường về hàng hóa của Việt Nam, và sự gia tăng lượng người từ Việt Nam sang Nhật Bản học tập, làm việc, nghiên cứu, đã có rất nhiêu doanh nghiệp được thành lập tại Nhật do người Việt làm chủ, tập trung nhóm kinh doanh cửa hàng tạp hóa, nhà hàng Việt. Ước tính từ 2017 đến nay, có hơn 700 cửa hàng tạp hóa của người Việt hoạt động trải dài trên toàn Nhật Bản.

Đã có rất nhiều các doanh nghiệp lớn của cả Nhật Bản và Việt Nam nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng từ Việt Nam với các hàng hóa phong phú, kể đến như: Bún tươi Safoco, phở Cung Đình, mì tôm Hảo Hảo, nước mắm Nam Ngư, tương ớt Chinsu, cà phê G7, dừa quả tươi, thanh long, xoài, sả, cá basa, tôm… thông qua hệ thống cửa hàng của HSC STATION phân phối đến người tiêu dùng. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp lớn đến từ các quốc gia khác như Brazil, Thái Lan tham gia cung cấp hàng hóa cho người Việt tại Nhật Bản.

Với việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm và đa dạng hàng hóa, HSC STATION cũng đang tập trung kết nối các thương hiệu nổi tiếng trong ngành bán lẻ của Nhật như: Chuỗi siêu thị Trial, Siêu thị Aone, Donkihote, Hệ thống nhà thuốc Ohga pharmacy... nhằm đa dạng kênh phân phối, tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng, mang đến cho người dùng nhiều sản phẩm tốt và chất lượng có xuất xứ từ Việt Nam.

Đối với thị trường được mệnh danh là khó tính với những tiêu chuẩn cao về chất lượng như Nhật Bản, việc đưa được hàng Việt vào là một điều không hề dễ dàng. Nhưng HSC STATION và Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư HSC tại Việt Nam (HSC Investment Corp) luôn kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức OEM, trải qua rất nhiều khâu nghiên cứu phát triển để cho ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn Nhật mà vẫn giữ nguyên hương vị Việt và đã thành công nhập khẩu thành công rất nhiều thương hiệu Việt vào Nhật. Trong đó tiêu biểu có thương hiệu: Bánh tráng Tinh Nguyên, đỗ xanh, các loại túi nilong và túi hút chân không…

Từ sau 2018, bùng nổ “chợ Việt” ở Nhật Bản, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Thời điểm này, rất đông các bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường, tu nghiệp sinh hết hạn hợp đồng, người định cư lâu năm… đã không thể về nước trong một thời gian dài khiến nhu cầu tiêu dùng hàng Việt tăng cao. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều bạn trẻ ở lại thay vì vật lộn nộp hồ sơ xin việc, đã mạnh dạn đứng lên khởi nghiệp, các cửa tiệm, quán ăn, nhà hàng dịch vụ… phục vụ đồng hương mọc lên như nấm sau mưa. Một vài doanh nghiệp địa phương Nhật lao đao trong cơn bão Covid-19, cũng kịp chuyển mình, nhắm đến thị phần tưởng chừng vẫn còn ít ỏi - đối tượng khách hàng nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng tại Nhật.

Giờ đây, chẳng còn xa lạ gì khi xuất hiện ngày một nhiều trái dừa tươi, quả xoài, thanh long, nước mắm, tương ớt, mì tôm Việt Nam… trên các kệ hàng siêu thị lớn nhỏ dọc nước Nhật.

Con người HSC STATION

Đóng góp một phần tuy còn ít ỏi nhưng rất đáng ghi nhận, với nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người Việt trong công cuộc chinh phục thị trường khó tính, nhiều rào cản pháp luật, văn hóa… để đưa các sản phẩm thuần Việt đến tay người tiêu dùng Nhật Bản, phải kể đến 3 gương mặt trẻ đại diện cho HSC STATION là Phạm Thanh Hoàng, Trịnh Trường Xuân và Yamakawa Đặng Dũng.

Ban lãnh đạo HSC STATION

Ban lãnh đạo HSC STATION

Phạm Thanh Hoàng là một trong những nhà sáng lập của HSC STATION. Tham gia dự án từ khi còn rất trẻ (chưa đến 30 tuổi), Hoàng có tư duy nhạy bén của tuổi trẻ, không ngại tìm tòi, thử thách. Nhìn thấy nhu cầu thị trường từ rất sớm, Hoàng không quản vất vả vừa làm saler - người bán vừa làm shipper - người giao hàng: Bán hàng trên mạng, giao tận nơi cho khách, kiêm luôn cả công việc của buyer - người mua là tìm kiếm nguồn hàng, thỏa thuận điều kiện giao dịch… Anh mày mò đến chợ đầu mối, những tiệm tạp hóa gốc Hoa đi trước để “học nghề”. Đến nay, sau nhiều năm lăn lộn và thực chiến, Hoàng trở thành cái tên đứng sau rất nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đang được bày bán khắp nơi ở Nhật.

Còn Trịnh Trường Xuân là “kẻ lãng du” đúng nghĩa đối với nước Nhật. Từ một người sang Nhật Bản du lịch khi không biết gì về đất nước này, cũng chưa từng học chữ tiếng Nhật nào… mà bén duyên nơi đây. Mốc son gắn bó với HSC STATION của Xuân được đánh dấu vào đầu tháng 8/2018 sang Nhật chơi, anh đã tới cửa tiệm tạp hóa đầu tiên, khi ấy còn là một tiệm tạp hóa nhỏ xíu, hàng hóa lưa thưa…. Với đầu óc nhạy bén của một người từng kinh doanh, cùng với dự cảm trời cho, nhận thấy mảnh đất còn nhiều tiềm năng chưa khai thác đến, Xuân quyết định cùng gia đình quay lại nước Nhật để lập nghiệp sau khi bán nhà cửa ở Việt Nam và vay mượn thêm họ hàng để đầu tư vào HSC STATION. Tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), với kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại tại Việt Nam, vượt qua rào cản ngôn ngữ, Xuân đã nhanh chóng hòa nhập được vào cuộc sống cũng như công việc kinh doanh tại Nhật. Hiện nay, Xuân chịu trách nhiệm quản lý (Giám đốc Vận hành) của toàn bộ hệ thống bán lẻ và phụ trách đội kinh doanh (Giám đốc Bán hàng) bán buôn.

Đại diện cuối cùng cho thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm của HSC STATION là Yamakawa Đặng Dũng, hiện mang quốc tịch Nhật Bản. Dũng tốt nghiệp trường cao đẳng quốc tế Fukuoka - chuyên ngành IT năm 2016. Đã trải qua các vị trí quản lý nhân lực quản lý kho của Công ty Good Bileved, tham gia HSC STATION với vai trò là cổ đông góp vốn, nay Dũng là tổng quản của toàn bộ hệ thống vận hành logistics, kho bãi, quản lý hàng xuất nhập khẩu ở 2 tổng kho tại Fukuoka. Anh có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa vào ra nhịp nhàng, đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả, và đảm bảo chi phí tối ưu nhất.

Khó khăn nào cũng vượt qua

So với các cộng đồng người Việt lâu năm khác trên thế giới, cộng đồng người Việt nói chung và người Việt khởi nghiệp nói riêng ở Nhật Bản còn vô cùng non trẻ. Cơ hội mở rộng thị trường còn rất nhiều, nhưng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài tại Nhật Bản đòi hỏi nỗ lực không ngừng của bộ máy để thích nghi, đổi mới…

Rào cản pháp luật có lẽ là những trở ngại đầu tiên khó khăn nhất. Đằng sau một gói phở ăn liền, một túi tôm đông lạnh… ghi 3 chữ giản dị “Made in Vietnam” là hàng chồng hồ sơ, hàng chục cuộc thử nghiệm, phân tích thành phần… để lập hồ sơ, chứng nhận. Đằng sau một cửa hàng tạp hóa treo tấm biển tiếng Việt thân thương trên một con phố buôn bán tấp nập hay trong một con hẻm đông người qua lại ở Nhật Bản… là rất nhiều những loại hình giấy phép kinh doanh, chứng chỉ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh phải đạt được.

Tiếp theo là rào cản văn hóa. Doanh nghiệp Nhật rất ngại thay đổi, để “chen chân” đưa một sản phẩm mới lên kệ của họ cần rất nhiều thời gian và thử thách. Thế nhưng, niềm vui khi chứng kiến nụ cười của khách hàng Việt Nam thấy một khay mít Việt trên kệ hàng siêu thị của Nhật Bản thực sự đã xóa mờ những rào cản này.

Mục tiêu phấn đấu của lớp trẻ Việt Nam ở HSC STATION không chỉ là bổ sung thêm hàng Việt trên kệ Nhật phục vụ bà con mình mà còn là chinh phục cả bàn ăn của người bản địa, để gói muối chua cay sẽ được ăn với sushi nhiều hơn, để chai tương ớt sẽ được trộn chung với mì xào yakisoba, để quả dừa tươi sẽ trở thành thức uống giải khát hàng ngày…

Luôn đồng hành cùng Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

CEO Phạm Thanh Hoàng đã luôn ấp ủ ước mơ góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ở Nhật Bản để có thể giúp đỡ những người con Việt Nam xa quê. Năm 2019, khi Hội người Việt Nam tại Fukuoka Nhật Bản được thành lập, ông Hoàng tích cực tham gia và trở thành ủy viên Ban chấp hành hội (2019-2020). Từ đó đến nay, ông Hoàng luôn nỗ lực đóng góp và xây dựng cộng đồng thông qua các hoạt động của Hội. HSC STATION là nhà tài trợ chính cho chương trình Tết Việt do Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka đồng tổ chức, các giải bóng đá giao hữu dành cho cộng đồng người việt. Đem lại một sân chơi văn hóa cho cộng đồng và kết nối quan hệ văn hóa giữa 2 nước./.

CTV An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bi-quyet-khoi-nghiep-thanh-cong-o-xu-so-mat-troi-moc-post1008210.vov