Bí quyết ra trường sớm với bằng xuất sắc của nữ sinh Đại học Bách Khoa
Nguyễn Phương Linh đã tốt nghiệp sớm nửa năm, cô ra trường với tấm Bằng xuất sắc ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí khiến nhiều nam sinh ngả mũ thán phục.
Đầu tháng 5 vừa qua, Nguyễn Phương Linh (sinh năm 1998, quê ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ) sinh viên khóa 61 lớp Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí nhận Bằng tốt nghiệp xuất sắc của trường Đại học Bách Khoa.
Cùng chung niềm hân hoan này với Linh là bố mẹ, ông bà đã vượt hơn 100km đến trường với niềm tự hào, hãnh diện về con, cháu.
Nguyễn Phương Linh ra trường sớm nửa năm so với dự kiến chương trình học 5 năm. Cô gái xinh xắn này học cùng 199 bạn nam, cô là người duy nhất ra trường với tấm bằng Xuất sắc.
Trong khi nhiều bạn nam cùng ngành vẫn còn đang chật vật với môn học hay thi lại, học lại thì việc Linh tốt nghiệp sớm đã khiến họ không khỏi thán phục.
Bí quyết ra trường “sớm”
Giữa tháng 5, tiết trời nắng nóng, Nguyễn Phương Linh làm công việc kỹ sư vận hành tại Công ty Samsung Electronics Thái Nguyên. Công việc này đã gắn bó với Linh khoảng hơn 1 tháng qua sau một thời gian ngắn thử việc.
“Em là nhân viên chính thức của công ty trong khi đang làm đồ án tốt nghiệp. Công việc ở đây thì cũng nhàn, không phải lo toan, vất vả như thời sinh viên. Công ty lại nuôi cơm, lo chỗ ở cho chúng em”, Linh chia sẻ.
Ngành cơ khí điện tử mà Linh học khi ra trường có thể làm lập trình, cơ khí, cắt máy công cụ, rô bốt… và Linh chọn lập trình.
Nguyễn Phương Linh chia sẻ, để có được những thành quả như ngày hôm nay, ngay từ năm nhất của đại học, cô đã chăm chỉ học hành. Ngoài việc học trên lớp, Linh còn tìm hiểu thêm tài liệu ở thư viện, thầy cô… và cô còn học nhóm cùng với các bạn.
Khi gần đến ngày thi, Linh cùng cả nhóm hệ thống kiến thức đã học thành đề cương để ôn thi. Trong nhóm có những bạn rất giỏi như chuẩn bị theo học Thạc sỹ, từng tham gia nghiên cứu khoa học… nên Linh được trang bị những kiến thức để dễ dàng vượt qua các môn học với điểm cao.
Ngay trong kì học đầu tiên của năm nhất đại học, Phương Linh giành được học bổng nhưng cô chưa dám khoe bố, mẹ vì đó chưa phải là học bổng toàn phần.
“Em sợ khi khoe với bố mẹ, thì bố lại hỏi tại sao con không được Nhất mà lại chỉ được Nhì. Bởi năm xưa, khi em đi thi Toán cấp tỉnh, em chỉ giành được giải Nhì”, Linh nhớ lại.
Bố Linh, người luôn định hướng tư tưởng cho con gái rằng: “Phải học thì mới thoát được nghèo. Mình phải vươn lên lũy tre làng, con gái cận thế này mà đi cấy lúa thì chán chết…”.
Những câu nói quen thuộc này của bố dường như đã ăn sâu vào trong tâm trí của Linh. Nó là động lực để cô cố gắng khi đã chọn ngành thiên về kỹ thuật, hay đó là khi cô phải vừa đi làm thêm, vừa phải cân đối việc học hành.
Linh từng làm thêm bán quần áo vào thời gian nghỉ hè với số tiền hơn chục nghìn đồng/giờ, hay làm gia sư, cộng tác viên thanh toán điện tử.
Kiếm được tiền nhưng Linh không bị cuốn theo cám dỗ của đồng tiền, cô gái này nhận ra một điều: “Mình đi làm thêm chỉ cần đủ ăn thôi, mình cần đầu tư vào việc học để kiếm học bổng, để tương lai tốt hơn”.
Trong hơn 4 năm học, Linh giành được 8 suất học bổng từ phía nhà trường và các đơn vị khác trao tặng. Đó là con đường để cô đi tới thành công như ngày hôm nay.
Học Bách Khoa để kiếm học bổng
Bố mẹ Phương Linh đều làm ruộng, Linh là chị cả của hai em. Sống ở vùng quê vốn nghèo khó, gia đình lại không có kiện kinh tế nên ngay từ thuở nhỏ, Linh đã có ý thức việc học hành.
Trong 12 năm học, Linh đều là học sinh giỏi, năm lớp 12 cô giành giải Nhì môn Toán trong kì thi cấp tỉnh.
Để bố mẹ đỡ vất vả, Linh chọn thi trường Học viện Kỹ thuật quân sự (hệ quân sự) nhưng không đỗ. Tiếp đó, qua tìm hiểu thì cô thấy trường Đại học Bách Khoa có nhiều suất học bổng cho sinh viên nên cô nộp nguyện vọng vào đây.
Linh nộp Nguyện vọng 1 vào ngành Cơ khí điện tử và Nguyện vọng 2 là ngành Công nghệ thực phẩm. Đây là 2 ngành “hot” khi đó và Linh trúng tuyển ngay nguyện vọng 1.
Ngày đến nộp hồ sơ nhập học, thấy cô gái chân yếu tay mềm học ngành vốn được nhiều bạn nam lựa chọn, các anh chị tình nguyện viên nói: “Con gái thường học ngành kinh tế thì ăn ngon, mặc đẹp chứ học Cơ khí thì vất vả lắm”.
Lúc đó, Linh hình dung tương lai mình đi xin việc: “Nơi này không tuyển con gái đâu em”. Rồi cô cũng chưa hiểu ngành mình học thì sẽ học gì.
Thấy con gái lo lắng, bố khuyên nhủ Linh nên chọn ngành nào mà mình thấy phù hợp để học. Tuy nhiên, Linh tự nhủ với bản thân rằng: “Không học được ngành mình thích thì sẽ thích ngành mình học”. Từ đó, cô quyết định chọn Cơ khí điện tử.
Linh rời khỏi lũy tre làng xuống Hà Nội học tập, trong khi đó nhiều bạn học lại chọn con đường đi làm lập nghiệp hoặc lập gia đình.
Ngày đầu tiên đến giảng đường đại học, có 4 lớp với 200 sinh viên. Linh là cô gái duy nhất, cô thầm mỉm cười: “Kiểu này mình được làm hoa hậu rồi”.
Quả đúng như vậy, trong thời gian học sau này, Linh được các bạn trai trong lớp rất ưu ái, cô không phải động tay đến các công việc nặng. Và cũng là “bông hoa” duy nhất của Khoa Cơ khí điện tử, nên Linh cũng nhận được không ít lời tán tỉnh.
Và rồi cô đã chọn được một người bạn trai cùng ngành là một người có ý chí, hiền lành. Hiện tại, người yêu Linh đang làm công việc lập trình ở Hà Nội.
Nói về tương lai, Linh cho biết, cô sẽ dành thời gian để đầu tư cho bản thân thêm ngoại ngữ tiếng Hàn hoặc tiếng Anh.
“Mình còn trẻ, thôi thì cứ đầu tư cho bản thân để tương lai tốt đẹp hơn”, cô gái có giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương cười nói.