Bí quyết siết cân siêu tốc được chia sẻ từ võ sĩ Kurash
Đối với các môn võ thuật, việc quy định hạng cân là được tuân thủ theo các quy tắc chặt chẽ để đảm bảo tính công bằng khi thi đấu. Có những thời điểm, các võ sĩ đã phải siết đến cả chục cân chỉ trong một tháng.
Là một trong những người thuộc lớp vận động viên đầu tiên của bộ môn Kurash tại Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Học (hiện đang là HLV trưởng bộ môn Kurash) nghĩ lại về những ngày tháng phải “sống mái” để giảm từng cân một.
"Nhớ hồi đó làm bạn với mình trong lúc chạy là bộ ép cân, đôi giày và máy mp3 nghe nhạc. Ngoài chế độ ăn uống hạn chế tinh bột và dầu mỡ, tăng cường hoa quả rau xanh (các loại thực phẩm chứa ít nước…) thì còn phải hạn chế cả cung cấp nước vào cơ thể, hồi đó đâu có thuốc bổ bổ sung nhiều như bây giờ, nói chung rất vất vả và ý chí đấu tranh với bản thân, ăn hay k ăn, uống hay k uống, chạy hay bỏ cuộc", anh Học chia sẻ.
Đấy là khoảng thời gian rất khó khăn với anh để chuẩn bị cho giải Đại hội Võ thuật châu Á năm 2009 tại Thái Lan. Từ 72 kg, anh buộc phải giảm xuống 60 kg để phù hợp với hạng cân đã đăng ký.
Lúc đầu, anh Học cảm thấy đây thực sự là một thử thách rất lớn với chính bản thân mình. Nhưng dần dần, anh cũng tự động viên bản thân vì sức trẻ trong người không cho phép anh dừng lại khi mọi thứ mới chỉ bắt đầu.
Một tuần, hai tuần, cứ đều đặn mỗi ngày mỗi ngày ba buổi tập. Sáng sớm từ 5h - 6h , ca 2 từ 9h-11h, ca 3 từ 15h - 17h. Thường buổi sáng sớm và buổi chiều sẽ là các bài tập thể lực như tập tạ hoặc chạy. Sau 3 ca tập chính, anh Học mặc 2-3 bộ áo ép cân dày.
Có buổi giặt chưa khô kịp thì mặc lót trong là bộ áo mưa mỏng ngoài là bộ ép cân nữa hoặc bộ đồ thể thao nỉ để chạy ngoài trời mùa hè oi bức miễn sao để ra được mồ hôi.
Khi trở về, gia đình anh không khỏi xót xa khi nhìn thấy hình dáng con mình gầy sọp hẳn đi. Mọi người bảo anh ăn vài miếng cơm vào cho lại sức nhưng vẫn không dám động đũa.
Mặc dù đã hoàn thành chỉ tiêu về cân nặng nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Sang đến Thái Lan, sau khi ban huấn luyện họp và quyết định để cho anh Học đánh ở hạng 66 - 73 kg.
Anh Học thở phào nhẹ nhõm vì không phải nhịn ăn nhịn uống nữa, thế nhưng vấn đề mới lại phát sinh, anh phải tăng gấp lên 66 kg và đấu chọi với những đối thủ rất nặng ký đến từ Mông Cổ.
Bằng nỗ lực và sự may mắn ở bên, anh Học đã giành được tấm HCB đầu tiên tại một giải đấu quốc tế cho bộ môn Kurash.
Cho đến nay, việc ép cân của các vận động viên dễ dàng hơn. Các bộ quần áo chuyên để ép cân cũng xuất hiện và được may riêng.
Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng, thực phẩm chức năng cũng được nghiên cứu và phát triển rồi đưa vào sử dụng. Lượng calo được theo dõi sát sao bằng các thiết bị hiện đại, chứ không chỉ dựa trên tính toán ước lượng. Nhờ vậy, các lứa động viên có nhiều cơ hội hơn điều chỉnh bản thân trong trường hợp ban tổ chức khống chế hạng cân.
Tại SEA Games 31 tới đây được tổ chức tại Việt Nam, các vận động viên tuyển Kurash vẫn đang nỗ lực tập luyện. Mặc dù ban tổ chức vẫn khống chế hạng cân nhưng đây không phải vấn đề quá lớn nữa.
Anh Nguyễn Tuấn Học chia sẻ: “Tôi hy vọng những thành công tại SEA Games 30 tại Philippines sẽ là động lực để cho các vận động viên phấn đấu, quyết tâm bảo vệ ngôi vô địch mà các vận động viên đã đạt được tại kỳ SEA Games trước, ngoài ra các vận động viên trẻ mới tham dự tại SEA Games lần này sẽ khẳng định được vị trí ở hạng cân của mình”.
Kurash là môn võ cổ xưa nhất khi xuất hiện từ 2.500 đến 3.000 năm trước. Các nhà nghiên cứu phát hiện những hình ảnh mô tả động tác đấu vật mang dáng dấp của môn Kurash được chạm khắc trên các vật dụng, hình vẽ trên đá tại Uzbekistan. Kurash thực tế được hình thành qua nhiều thế kỷ. Về luật thi đấu, Kurash có lối đánh tương tự như Judo và vật.