Bí quyết thoát nghèo, vươn lên thành cường quốc của ba 'con rồng' châu Á

Cả thế giới phải ngưỡng mộ cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... trỗi dậy từ nghèo khó, gian khổ.

Singapore những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX chỉ được coi như một làng chài (ảnh nhỏ) và Singapore sầm uất, phát triển ngày hôm nay (ảnh lớn)

Trên hành trình phát triển, không một quốc gia nào trên thế giới không trải qua những thời kỳ yếu kém và tồn tại những bất lợi của riêng mình, nhưng từ nung nấu khát vọng đến vươn lên kỳ tích, không phải nước nào cũng làm được. Đó là lý do vì sao cả thế giới phải ngưỡng mộ cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... trỗi dậy từ nghèo khó.

Xuất phát điểm cực thấp

Khi tách khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, Singapore bắt đầu với ngân quỹ ở mức âm, rồi nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai. Họ còn không có tài nguyên thiên nhiên hay khoáng sản. Dù ở cạnh biển nhưng lại không có nước ngọt và đất canh tác với diện tích vô cùng eo hẹp.

Thu nhập GDP bình quân đầu người của Singapore lúc đó chỉ khoảng 400USD và được thế giới biết đến như một quốc đảo “làng chài”. Lựa chọn với họ lúc đó là phải tự đứng vững trên đôi chân của mình hoặc là chết!

Vào những năm 1950 của thế kỷ XX, chiến tranh khiến đất nước Hàn Quốc bị phá hủy nặng nề, được xếp vào nhóm nghèo nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1953 chỉ đạt 47,7 tỷ won (986 tỷ VND); bình quân thu nhập đầu người ở mức 67USD.

Chưa kể, Hàn Quốc còn phụ thuộc nặng nề vào Mỹ, rồi rơi vào giữa cuộc xung đột Trung Quốc - Nhật Bản và bị ép vào đường cùng buộc xứ sở Kim Chi khi ấy phải lựa chọn vươn lên thay vì sống trong phụ thuộc, nghèo nàn và tủi nhục.

Nhật Bản cũng bắt đầu công cuộc phát triển thần kỳ không cao hơn hai quốc gia kể trên. Đó là từ năm 1945, khi “đất nước Mặt trời mọc” vừa bước ra từ chiến tranh ở vị trí là một kẻ bại trận với đống đổ nát, nạn thất nghiệp...

Chưa kể, Nhật Bản cũng là quốc gia không có tài nguyên khoáng sản, lại thường xuyên gánh chịu động đất, sóng thần. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng, thời gian đầu, Tokyo gần như lệ thuộc và chịu ảnh hưởng hoàn toàn vào Mỹ.

Coi trọng và đầu tư “khủng” cho giáo dục

Hàn Quốc hoang tàn sau chiến tranh năm 1952 (ảnh nhỏ) và nhà cao tầng san sát tại Hàn Quốc ngày hôm nay (ảnh lớn)

Từ trong khó khăn, đổ nát và phụ thuộc, những khát vọng “Quốc đảo Sư tử” (Singapore), “Đại Hàn” (Hàn Quốc) hay “Trở trành con cháu Thái dương” (Nhật Bản) trỗi dậy mạnh mẽ để cả 3 quốc gia chủ động xây dựng cho mình một vị thế, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Câu chuyện “hóa rồng” của cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều là những khát vọng phải vươn lên khi họ ở trong hoàn cảnh lụi bại, từ những xuất phát điểm cực thấp. Như lời người được coi là công thần lập quốc Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Chúng tôi buộc phải tách khỏi Malaysia, tự đi trên con đường riêng, một con đường tới định mệnh mà không hề có biển chỉ dẫn. Chúng tôi đối mặt với vô vàn khó khăn và một số phận sinh tồn mông lung...”.

Thành công của họ gắn liền với tên tuổi những nhà lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn chiến lược như: Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee hay Thiên hoàng Chiêu Hòa (tên thật là Hirohito).

Nhưng để hiện thực hóa những khát vọng, hoài bão, tài trí của một người là chưa đủ mà cần cả sự đồng lòng, hiệp lực của cả bộ máy chính quyền và người dân. Trong đó, trí lực và nhận thức của người dân là điều đầu tiên cả 3 vị lãnh đạo chú trọng.

Kể từ khi bắt đầu thay đổi, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản đều được đánh giá cao về ý thức kỷ luật, chăm chỉ, ham học hỏi và sáng tạo. Đồng thời, các quốc gia này không ngại học hỏi từ kinh nghiệm, thành công và cả những sai lầm từ nước ngoài.

Nhật Bản đã mất hàng trăm năm cải biên phương pháp giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á theo định hướng «kỹ thuật phương Tây, đạo đức phương Đông” từ thời Minh Trị Duy Tân.

Thậm chí sau này, Hàn Quốc đã tận dụng luôn bộ sách giáo khoa của người Nhật, dịch sang tiếng Hàn để áp dụng. Không chỉ vậy, từ thời còn thắt lưng buộc bụng, Chính phủ Hàn Quốc đã miễn học phí cho tất cả học sinh từ tiểu học đến THCS.

Tại Singapore, ngay trong nghèo khó, chính quyền của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn chi mạnh cho giáo dục, coi đây là khoản đầu tư quốc gia để phát triển trí lực làm “tài nguyên nhân tạo” bù đắp cho những thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên.

Theo thời gian, từ những năm 1960 - 2016, nguồn chi cho giáo dục ở Singapore đã tăng gấp 200 lần lên mức 12.660 triệu đô-la Singapore (218 tỷ VND), đưa nước này lọt vào top đầu trong 76 quốc gia theo nghiên cứu về giáo dục toàn diện do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện.

Chưa kể “Quốc đảo sư tử” còn có những chính sách thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Đến tận bây giờ, quan điểm coi trọng giáo dục, tri thức vẫn vẹn nguyên.

Minh bạch, nêu gương và sức mạnh lòng dân

Hiroshima, Nhật Bản (ảnh nhỏ) đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ II năm 1945 và hình ảnh vươn lên ngày nay như một kỳ tích (ảnh lớn)

Để có được sức mạnh niềm tin, người dân từ 3 nền kinh tế này đã nhìn chính những lãnh đạo của mình. Những nhà lãnh đạo tài năng này không chỉ lấy nỗ lực kiên cường của chính mình để làm gương mà còn xây dựng đường lối chính sách công bằng, minh bạch, nói không với tham nhũng để gây dựng lòng tin.

Thực tế, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều được xếp ở thứ hạng cao trong Chỉ số nhận thức tham nhũng toàn cầu (CPI) so với các nước châu Á. Nổi bật nhất là Singapore đứng ở vị trí thứ 4, chỉ sau New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, theo đánh giá năm 2019.

Có như vậy, ở thời điểm đất nước nghèo khó, người dân Singapore mới chịu tin tưởng gửi 1/4 số tiền lương mỗi tháng vào quỹ tiết kiệm để chính phủ quản lý, sử dụng phục vụ cộng đồng. Khoản tiền này sẽ chỉ được rút ra khi người lao động đến 55 tuổi.

Người trẻ ở Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, khi những người trẻ tuổi được gửi sang Đức làm thợ mỏ và y tá, dù họ phải lao động vất vả, tằn tiện nhưng vẫn hy sinh để gửi ngoại tệ về cho Tổ quốc, làm nên nền tảng cho sự phát triển kinh tế về sau.

Từ lời thề “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng” đến những hành động chứng minh qua thực tế, Tổng thống Park Chung-hee đã khơi dậy niềm tin trong lòng người dân, chung lưng đấu cật làm nên “kỳ tích sông Hàn”.

Bằng việc tự bồi đắp “tài nguyên trí lực”, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đã biến những bất lợi thành thế mạnh. Singapore sở hữu hệ thống giao thông công cộng rộng khắp, thông minh và hiệu quả bậc nhất thế giới; Nhật Bản có công nghệ xây dựng, chế tạo tàu cao tốc chống động đất bền bỉ mà phương Tây phải học hỏi; Hàn Quốc tập trung phát triển công nghiệp nặng và dịch vụ, tăng cường xuất khẩu và nhập khẩu trở lại các sản phẩm lương thực mà họ không thể sản xuất.

Quy mô nền kinh tế & thu nhập người dân (Đến năm 2020)

Singapore
GDP: 379 tỷ USD, đứng thứ 38 trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người: 64,2 nghìn USD.
Hàn Quốc
GDP: 1,6 nghìn tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người: 31,8 nghìn USD.
Nhật Bản
GDP: 5,3 nghìn tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người: 42,9 nghìn USD.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bi-quyet-thoat-ngheo-vuon-len-thanh-cuong-quoc-cua-ba-con-rong-chau-a-d504677.html