Bí quyết tiêu thụ bưởi để huyện miền núi Hà Tĩnh thu 500 tỷ, nhiều hộ thoát nghèo
Sinh trưởng trên vùng đất cằn, bưởi Phúc Trạch đã bén rễ trở thành thứ quả đặc sản của huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Năm nay toàn huyện ước tính thu về 500 tỷ đồng.
Trong khu vườn rộng hơn 1ha ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, ông Trần Văn Đức (66 tuổi) đang cẩn thận cắt từng quả bưởi để đóng thùng gửi đi cho khách. Năm nay bưởi được giá, ông Đức không giấu được niềm vui sướng.
Vườn bưởi giá trị tiền tỷ này trước đây vốn là mảnh đất cằn, gia đình ông Đức trồng cây keo để bán lấy gỗ. Gần 10 năm trước gia đình đã cải tạo lại để trồng bưởi. Nhờ trồng bưởi Phúc Trạch nên mỗi năm gia đình có thu nhập đáng kể. Ông Đức cho biết, bưởi năm nay được nắng nên vị ngọt đậm, trái to. Dù đầu mùa nhưng số lượng tiêu thụ nhanh hơn so với các năm.
“Năm nay giá cả cũng khá cao nên nông dân rất phấn khởi. Không chỉ có tiểu thương vào mua tại vườn mà thông qua mạng xã hội, bán cũng được rất nhiều. Mỗi năm gia đình thu về khoảng hàng trăm triệu đồng nhờ trồng bưởi”, ông Đức nói.
Những ngày này, khắp mọi đường làng ngõ ở huyện Hương Khê nườm nượp những chuyến xe ngược xuôi chở bưởi. Theo thống kê, toàn huyện Hương Khê có 2.768 ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó diện tích bưởi đã cho quả là 1.912 ha. Tổng sản lượng bưởi năm nay ước đạt trên 21.000 tấn, tương đương giá trị 500 tỷ đồng. So với năm ngoái, sản lượng bưởi năm nay giảm 2.000 tấn.
Đặc biệt xã Hương Trạch là "thủ phủ" trồng bưởi ở huyện Hương Khê với hơn 1.000 hộ dân trồng bưởi. Sản lượng năm nay dự kiến khoảng 5.000 tấn, trung bình một nhà vườn đạt 3.000 - 4.000 quả, dự kiến thu về 70-80 triệu đồng.
Ông Cao Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết, địa phương là xã có diện tích trồng bưởi nhiều nhất huyện với tổng diện tích gần 500 ha, trong đó hơn 350 ha đã cho thu hoạch. Nhờ trồng bưởi đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo chia sẻ của các hộ trồng bưởi ở Hương Khê, năm 2023, thời tiết nắng hạn nên bưởi Phúc Trạch không to quả, đổi lại, quả cho độ ngọt trung bình cao hơn những mùa vụ trước.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để bà con tiêu thụ sản phẩm và khẳng định chất lượng đặc sản. Thời điểm đầu mùa, giá bưởi khá ổn định và có cao hơn năm 2022, dao động từ 15-35 nghìn đồng/quả. Để có được mùa bưởi bội thu, đạt chất lượng cao, người nông dân đã bỏ ra nhiều công sức chăm sóc.
Ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê, cho biết, bưởi Phúc Trạch là loại cây được xem là đặc sản của huyện Hương Khê, nhờ loại cây này mà nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tốt. “Bưởi Phúc Trạch được xem là cây chủ lực, phát triển kinh tế tại địa phương, đa số các xã trên địa bàn huyện đều trồng bưởi. Không chỉ giảm nghèo, bưởi Phúc Trạch còn giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu”, ông Tịu nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - Đặng Tuấn Anh cho biết, cùng với việc tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, truyền thống, địa phương đã thúc đẩy phân phối sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và trên nền tảng mạng xã hội...
Huyện cũng tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quản lý để chống ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, nhất là các hộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác chuyển đổi số, minh bạch thông tin về sản phẩm, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc.
"Ngoài ra phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể về quảng bá, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cấp, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý, không để bưởi ở địa phương khác trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch", Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay.