Bí quyết uống, pha và bảo quản trà đúng cách

Người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung sử dụng trà nhiều trong cuộc sống thường ngày như một cách trân trọng và gìn giữ nét đẹp truyền thống cổ điển, trang nhã.

Trà gợi lên sự cân bằng, thanh tao, nhàn nhã. Để làm ra một ấm trà ngon và trọn vị, người pha không chỉ gửi gắm tâm tư, cảm xúc mà đó còn là một bí quyết bảo quản trà, cách pha, cách uống thể hiện phong cách sống của mình.

1. Bí quyết bảo quản trà ngon

Không ít người hẳn đã từng tự hỏi, làm sao để giữ được hương vị của trà thật trọn vẹn? Làm sao để bảo quản trà được lâu? Thực ra, “chìa khóa” cho bí mật này rất đơn giản.

– Tránh xa 5 yếu tố có hại gồm: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, mùi và không khí.

– Để trà không bị “ô nhiễm” bởi 5 yếu tố trên, ta cần giữ trà trong hộp kín và cất ở nơi tối, khô, mát, không mùi. Bên cạnh đó, ta có thể mua được rất nhiều loại hộp đựng trà khác nhau với chất liệu đa dạng, như thủy tinh, gốm, gỗ hoặc thậm chí sử dụng cả loại hộp hút chân không.

– Hãy mua đủ dùng: Do điều kiện bảo quản trà khắt khe, cách tốt nhất để trà của bạn luôn được thơm ngon là không nên mua một lượng trà quá lớn cùng một lúc. Thay vì mua một túi trà lớn 500g, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các túi nhỏ khoảng 100g, vừa đủ dùng, vừa tiện lợi.

Ai cũng có thể pha trà. Thế nhưng để pha được một ấm trà ngon, ta không chỉ cần một nguồn trà chất lượng mà còn cần thật nhiều tâm ý. Về cơ bản, pha trà là hãm lá trà bằng nước, bởi vậy, nước là một phần vô cùng quan trọng để pha trà ngon.

2. Bí quyết dùng nước pha trà

– Nước sạch, tươi mát, giàu oxy và có lượng khoáng chất vừa phải chính là nguồn nước lý tưởng!

– Hãy nhớ, ta chỉ cần đun 1 lần duy nhất, bởi nước giàu oxy sẽ phản ứng tốt với trà, khiến trà ngon hơn, đậm đà hơn nhiều so với nước nóng đun lại.

– Bên cạnh đó, mỗi loại trà còn cần được pha với nước nóng có nhiệt độ khác nhau. Vì sao ư? Bởi lượng Tanin trong từng loại trà rất khác nhau. Biết được nhiệt độ phù hợp ứng với từng loại sẽ giúp trà của bạn ngon hơn nhiều đấy!

– Trà xanh, trắng, vàng: 71 – 79 độ C
– Ô Long: 82 – 88 độ C
– Trà đen: 91 – 96 độ C
– Trà Phổ Nhĩ: 93 – 99 độ C

3. Bước pha trà ngon

Thật khó để giải thích được thế nào là một tách trà hoàn hảo. Riêng tôi thì cho rằng, trà ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị. Thế nhưng, nếu bạn đang làm quen với trà thì tại sao lại không thử bắt đầu bằng 5 bước pha trà cơ bản dưới đây nhỉ?

Bước 1: Tráng nước nóng tất cả các dụng cụ pha trà và ly, tách.
Bước 2: Tùy từng loại trà, bạn cần đong một lượng vừa đủ cho vào ấm.
Bước 3: Sau khi cho trà vào ấm, bạn xối nước nóng vào rồi nhanh chóng chắt bỏ nước. Bước này không những có thể loại bỏ các cặn trà và tạp chất mà còn giúp lá trà nở ra và nhanh ngấm khi ủ, khiến hương vị đậm đà hơn.
Bước 4: Sau khi tráng trà, hãy rót vào ấm một lượng nước nóng rồi ủ trà trong thời gian vừa đủ.
Bước 5: Thưởng thức cùng bánh ngọt, kẹo, mứt, …

Khi thực hiện những động tác bảo quản trà và pha chế, chúng ta cũng đồng thời tạo cho mình thói quen sống chậm rãi, thư thái như các vị thiền sư hay các nghệ nhân trà đạo. Như vậy, pha và uống trà cũng lại là một cách tuyệt vời để rèn luyện, thư giãn và thanh lọc cơ thể cũng tâm hồn.

Chúc bạn yêu trà bỏ tùi cho mình kỹ thuật bảo quản trà và cách pha ngon để có những ly trà thật ngon và sành điệu, một tâm hồn thư thư thái và một cơ thể khỏe mạnh.

Thanh Phạm/ Teahouse Hà Nội/ Elle.VN

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/phong-cach-c-81/bi-quyet-uong-pha-va-bao-quan-tra-dung-cach-58700.html