Bị rối loạn tâm thần vì loại đồ uống khó bỏ
Chỉ vì duy trì một thói xấu trong nhiều năm mà người đàn ông phải nhập viện nhiều lần để điều trị rối loạn tâm thần.
Bệnh nhân nam 43 tuổi, ở huyện Văn Lãng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác, co giật... Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Theo chia sẻ của người nhà, anh này thường xuyên uống rượu, đã nhiều lần anh chỉ uống rượu chứ không ăn, không ngủ và bị lên cơn co giật, mê sảng.
Mỗi lần gia đình đưa anh đến bệnh viện điều trị khỏi nhưng khi về nhà anh lại tiếp tục uống rượu. Đây là lần thứ 3 anh vào viện điều trị do rối loạn tâm thần từ lạm dụng rượu.
Theo BS Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng khoa Tâm thần - Thần kinh, thời gian gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1-2 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu.
Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày...
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác, đánh người, gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh…
"Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu. Biểu hiện này cũng được gọi là "trạng thái cai rượu". Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu.
Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu khoảng 12 - 48 giờ với triệu chứng nổi bật là rối loạn ý thức, kiểu mê sảng và các rối loạn về thần kinh, bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn co giật kiểu động kinh", BS Hà chia sẻ.
So với những năm trước đây, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đến điều trị tại khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đang có xu hướng tăng lên từ 5% đến 10% và trẻ hóa về độ tuổi.
Trong Quý I, Khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn.
Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp, khó điều trị.
Các bác sĩ phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân để điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc, vừa phải động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Đa phần bệnh nhân đều đáp ứng tốt trong quá trình điều trị tại Bệnh viện. Tuy nhiên việc điều trị rối loạn tâm thần và cắt cơn cho người lạm dụng rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái sử dụng rượu cho người bệnh, tại gia đình và cộng đồng.
"Thực tế, rất nhiều bệnh nhân sau điều trị lại tái sử dụng rượu, nhiều bệnh nhân thường xuyên vào viện điều trị các rối loạn tâm thần do rượu.
Vì vậy, bản thân người bệnh cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng", BS Hà nhấn mạnh.
Khi thấy người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần do rượu, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, rượu cũng làm giảm nồng độ chất chống oxy hóa trong máu như làm giảm vitamin A và E, sắt và một số vitamin B bao gồm axit folic và thiamine, làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Do đó, lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú, khoang miệng, phổi, thực quản, dạ dày, gan, trực tràng.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bi-roi-loan-tam-than-vi-loai-do-uong-kho-bo-d198117.html