Bị sa thải, buộc thôi việc vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Luật việc làm sửa đổi đã bỏ quy định NLĐ bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Sáng 7-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Một trong những nội dung được quan tâm là quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động (NLĐ).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Phạm Thắng

Trước khi QH thảo luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp này bao gồm 8 chương, 58 Điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 8.

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định NLĐ mà bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý bỏ quy định này trong dự thảo Luật.

Tại Điều 40, dự thảo luật quy định chi tiết về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Những NLĐ đang có việc làm; đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, dân quân thường trực; đi học tập có thời hạn trên 12 tháng; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chết, cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều 41 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu

Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này không có trong quy định của Luật hiện hành mà được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung nội dung này.

Chính vì vậy, trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-sa-thai-buoc-thoi-viec-van-duoc-huong-che-do-bao-hiem-that-nghiep-196250507095138031.htm