Bị 'siết' giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân nói gì?
Nhiều nhà đầu tư cá nhân lo lắng mình sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp nếu những quy định mới bổ sung được thông qua.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có bổ sung quy định về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDN). Quy định mới yêu cầu đối với cá nhân, phải tham gia đầu tư chứng khoán trong tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, đồng thời phải có thu nhập chung (từ nhiều nguồn khác nhau) tối thiếu 1 tỷ đồng/năm trong hai năm gần nhất thì mới được xem là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.
Luật hiện hành quy định cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng là đủ tư cách làm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tức được mua trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, dự thảo luật bổ sung thêm điều kiện về tần suất giao dịch.
"Với những điều kiện này, tôi chắc chắn không đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu doanh nghiệp, dù tôi có kinh nghiệm bao năm nay và vẫn có nhu cầu tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này. Không chỉ tôi mà chắc chắn nhiều nhà đầu tư cá nhân khác cũng sẽ bị loại", chị Ngọc Lan ở quận Hoàng Mai, Hà Nội than.
Nhiều năm nay, chị Lan coi việc mua trái phiếu doanh nghiệp như một kênh tích lũy tài sản, cũng giống gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhưng có lãi suất cao hơn và thời hạn linh hoạt hơn. Song đây cũng chỉ là một kênh đầu tư tay trái nên một năm cùng lắm chị chỉ giao dịch 2-4 lần, mỗi khi có tiền nhàn rỗi chứ không thể đáp ứng 10 lần giao dịch/quý, trong 4 quý gần nhất. "Đã gọi là nhà đầu tư cá nhân thì nguồn vốn cũng chỉ nhỏ lẻ, lấy đâu ra để giao dịch mỗi năm 10 lần, quy định như thế này đúng là làm khó chúng tôi", chị Lan nêu quan điểm.
Chị Lan chia sẻ thêm, trước những thông tin về quy định mới, chị đang có tâm lý sẽ không mua thêm trái phiếu doanh nghiệp nữa, đợi khi thông tin ngã ngũ, cơ quan chức năng ra quy định cụ thể. Đồng thời, những giao dịch đã mua chị cũng đang tìm cách bán ra, chấp nhận khoản lãi suất không cao như đúng kỳ hạn.
Tương tự, nhà đầu tư Tiến Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ sự thất vọng trước dự thảo mới. Anh Dũng có thói quen mua trái phiếu doanh nghiệp và nắm giữ dài hạn. Anh thường không có thời gian tính toán, giao dịch tới 10 lần/quý và suốt 4 quý liên tục. "Ngay cả khi tôi đã giao dịch ba quý liên tục, đến quý thứ tư không giao dịch hoặc giao dịch không đủ 10 lần là sẽ phải tính lại tần suất giao dịch từ đầu. Đây là điều vô lý và khiến chúng tôi chịu thiệt, dù đó là tài sản của chúng tôi và chúng tôi có quyền giao dịch theo nhu cầu, khả năng của mình để tránh rủi ro", anh Dũng thắc mắc.
Anh Dũng đặt thêm câu hỏi: “Một trong những nguyên tắc của đầu tư là không để trứng cùng một giỏ. Nhà đầu tư cá nhân vì thế cũng không thể dốc hết tiền vào TPDN. Vậy nên, nếu quy định ngặt nghèo như dự thảo luật thì khác nào buộc chúng tôi phải đối mặt với rủi ro”.
Tương tự, nhà đầu tư Mạnh Tường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nếu quy định mới được áp dụng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư cá nhân - vốn đang nắm gần 27% khối lượng trái phiếu. "TPDN là kênh đầu tư uy tín, an toàn và hiệu quả, nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu rất lớn để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Việc thêm những quy định mới có thể khiến một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân biến mất khỏi thị trường, làm quy mô thị trường vốn đã nhỏ bé càng dễ bị thu hẹp”, ông Tường nói.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại diện ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhận xét quy định thêm về tần suất giao dịch cổ phiếu để đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu doanh nghiệp là không phù hợp với thực tế. Quy định bổ sung, nếu được thông qua sẽ hạn chế đáng kể số lượng cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Lợi bất cập hại
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law nhận định: “Việc quy định chặt chẽ về điều kiện để nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ xuất phát từ mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro cao của thị trường, nhất là khi các doanh nghiệp không đảm bảo được khả năng thanh toán hoặc có chất lượng tài chính không ổn định.
Tuy nhiên, các quy định hạn chế này có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu và quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ”.
Ông Hà dẫn chứng, các quy định hạn chế đối với nhà đầu tư cá nhân sẽ làm thu hẹp quy mô các nhà đầu tư tham gia, từ đó giảm lượng vốn mà doanh nghiệp có thể huy động qua kênh trái phiếu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp cần nguồn vốn để khôi phục và phát triển sau đại dịch, hoặc khi các nguồn vốn khác như vay ngân hàng bị hạn chế.
Việc hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu cũng có thể làm giảm tính thanh khoản và sự đa dạng của thị trường, khiến nó trở nên kém hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn. Thị trường càng ít người tham gia, tính thanh khoản sẽ giảm và giá trị của các trái phiếu có thể bị ảnh hưởng.
Thay vì hạn chế quyền tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng có thể yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu công khai minh bạch hơn về tình hình tài chính, khả năng thanh toán, và các rủi ro đi kèm với việc đầu tư vào trái phiếu.
Sử dụng kết quả đánh giá tín nhiệm của các công ty đánh giá tín nhiệm để làm công cụ tham khảo cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. “Điều này giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà nước có thể thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, dựa trên các chỉ số tài chính hoặc lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể được khuyến khích hoặc giới hạn đầu tư vào các trái phiếu có mức rủi ro cao, nhưng vẫn có thể tiếp cận với những trái phiếu an toàn hơn. Có thể tạo ra các cơ chế bảo vệ vốn, chẳng hạn như bảo hiểm trái phiếu hoặc quỹ bảo đảm, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia thị trường này”, ông nói.