Bi thảm phận người được nuôi để lấy nội tạng trong 'Never Let Me Go'

'Never Let Me Go' nhấn chìm người xem trong nỗi đau khổ u tối, đầy day dứt.

Theo Nature, một ủy ban thuộc Bộ Khoa học Nhật Bản đã ký thông qua yêu cầu của các nhà khoa học về việc phát triển tuyến tụy của con người trên động vật. Đây là lần đầu tiên chính phủ của một quốc gia cho phép việc tạo phôi động vật từ tế bào gốc của con người.

Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng một loại động vật mang trí tuệ con người sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Tuy vậy, nó cũng mở ra tương lai mới cho những bệnh nhân đang cần cấy ghép nội tạng.

Phim ảnh đã dự báo trước về tiến bộ khoa học này, có thể kể đến Never Let Me Go (2010). Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kazuo Ishighuro, Never Let Me Go lần theo bước chân của nhân vật Kathy H (Carey Mulligan), lật giở từng trang ký ức bình dị mà buồn thảm của cô.

Câu chuyện bắt đầu tại một trường học đặc biệt từ năm 1970, xoay quanh ba đứa trẻ là Kathy H, Ruth C (Kaira Knightley) và Tommy D (Andrew Garfield). Họ được đào tạo trong chế độ giáo dục nghiêm ngặt. Những đứa trẻ được dạy để tin rằng mình là những người đặc biệt cho đến khi nhận ra một sự thật kinh hoàng rằng chúng chỉ là người nhân bản vô tính được nuôi dưỡng với mục đích lấy nội tạng phục vụ cho người hữu tính.

Never Let Me Go - bộ phim gây xúc động mạnh

Never Le Me Go không phải là bộ phim thành công về mặt doanh thu nhưng không ai có thể phủ nhận sức ám ảnh mà nó mang lại. Phim chỉ đạt hơn 9,4 triệu USD doanh thu toàn cầu. Đó là một thành tích khiêm tốn, nếu không muốn nói là một sự thất bại nặng nề về giá trị thương mại.

Never Let Me Go gây ra một luồng tranh cãi trong giới phê bình. Tuy nhiên, phần đông tỏ ra ủng hộ bộ phim. Trên trang Rotten Tomatoes, tác phẩm đến từ Anh nhận được 69% điểm tươi dựa trên 176 ý kiến đánh giá. Nhiều tờ báo lớn không ngần ngại dành tặng cho bộ phim của đạo diễn Mark Romanek những lời khen có cánh.

Never Let Me Go không thành công về mặt doanh thu nhưng gây ám ảnh vì khai thác số phận người nhân bản vô tính được tạo ra để lấy nội tạng.

Never Let Me Go không thành công về mặt doanh thu nhưng gây ám ảnh vì khai thác số phận người nhân bản vô tính được tạo ra để lấy nội tạng.

Tờ Boston Globe dùng từ “nốt nhạc buồn bã” để hình dung về dư âm còn sót lại của Never Let Me Go. Tờ báo này đánh giá cao hình ảnh trong phim và cho rằng chúng “ẩn chứa một sức ám ảnh trực tiếp” đến tâm hồn người xem. Tờ The Hollywood Reporter nhận xét Never Let Me Go là một bộ phim hấp dẫn, dù về tổng thể nó không tàn khốc và rỉ máu như những trang tiểu thuyết gốc.

Trang Salon.com không tiếc lời ca ngợi rằng đạo diễn Romanek “đã làm được nhiều điều khó khăn nhưng tuyệt đẹp” trong bộ phim này. “Never Let Me Go là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho chúng ta rằng cuộc đời thực chất rất ngắn ngủi bất kể nó kéo dài bao lâu hơn là một bài rao giảng về sự khủng khiếp của lịch sự nhân loại”, trang này nhận định.

Never Let Me Go nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình vì hình ảnh đẹp và diễn xuất của dàn diễn viên.

Never Let Me Go nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình vì hình ảnh đẹp và diễn xuất của dàn diễn viên.

Tờ The Canadian Press nhấn mạnh rằng Never Let Me Go đã mang đến một cái nhìn tuyệt đẹp và giàu cảm xúc về bản chất con người. Còn tờ New York Times cho rằng bộ phim đã khai thác một vấn đề gây sốc dưới một cái nhìn nhẹ nhàng và thấm thía.

“Sự tàn nhẫn được diễn tả một cách duyên dáng và thận trọng đến mức những nỗi đau, nỗi day dứt còn vương lại rất nhẹ” - đó là lời nhận xét mà New York Times dành cho Never Let Me Go.

Sự bi thảm của những phận người nhân bản vô tính

Kịch bản của Never Let Me Go được xây dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kazuo Ishighuro. Tiểu thuyết từng lọt vào top 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất 1923-2005 do tạp chí Time bình chọn và lọt vào chung kết giải Booker 2005.

Phiên bản phim của Never Let Me Go được thực hiện theo cấu trúc ngược lại so với tiểu thuyết. Thay vì kể chuyện theo trật tự tuyến tính, bản phim lại sắp xếp các sự việc theo trật tự từ hiện tại kinh qua quá khứ rồi lại quay về hiện tại. Mạch phim chảy theo dòng ký ức của nhân vật Kathy H. Các sự việc được cảm nhận dưới góc nhìn của nhân vật này. Đạo diễn Mark Romanke hé lộ kết thúc ngay từ những khung hình đầu nhằm tập trung khai thác chuyện tình tay ba giữa các nhân vật, cũng như sự giằng xé nội tâm của họ về những nỗi đau trong tình yêu, sự mất mát và cái chết.

Nếu trong phiên bản tiểu thuyết, nhà văn Kazuo đã nhấn chìm độc giả trong một nỗi đau dữ dội và u tối thì với bản phim điện ảnh, tất cả mọi bi kịch lại được diễn ra một cách nhẹ nhàng, dịu dàng. Never Let Me Go có giọng kể chuyện lững thững, đều đều, chậm rãi, hệt như một cơn mưa rơi miên man không để lại chút âm thanh. Nó đưa người xem chìm đắm vào nỗi tuyệt vọng sâu thăm thẳm của những nhân vật trong phim.

Never Let Me Go nhấn chìm người xem vào vực sâu bi kịch và nỗi đau thân phận của người nhân bản vô tình.

Never Let Me Go nhấn chìm người xem vào vực sâu bi kịch và nỗi đau thân phận của người nhân bản vô tình.

Trước khi bi kịch hiến tạng xảy đến với Kathy H, Ruth C, Tommy D, cả 3 người đã trải qua một tuổi thơ bất bình thường ở ngôi trường Hailsham. Tại đây, những đứa trẻ được dạy dỗ một cách máy móc. Chúng thực hành một cách cứng nhắc những tình huống ứng xử ở thế giới bên ngoài như cách gọi đồ ở quán cà phê, cách trả tiền, cách hỏi đường… Đơn giản là vì chúng không có thời gian và không có cơ hội để tự học những kỹ năng ấy ở cuộc sống thực.

Câu chuyện tưởng như nhuốm màu bi kịch này lại được thể hiện một cách dịu êm qua những mảnh ký ức chắp nối của Kathy về quãng thời gian đến trường, những câu chuyện về tình bạn, tình yêu như bao cô gái khác.

Khi đã trưởng thành, Kathy H, Ruth C và Tommy D cũng như bao người nhân bản vô tính khác không được tự do lựa chọn cuộc sống của mình. Họ sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những lần hiến tạng đau đớn. Người nhân bản vô tính thường sẽ qua đời vào lần thứ 3, thứ 4 hiến tạng, khi tuổi đời còn rất trẻ.

Người nhân bản như Kathy H, Ruth C và Tommy D không được người ta hình dung bằng những từ ngữ như bình thường. Họ được gọi là “tạo ra” thay vì được “sinh ra”. Trong mắt những người đứng đầu Hailsham, họ chỉ là “những sinh vật tội nghiệp”, chứ không phải con người có hỷ nộ ái ố, bản năng và tâm hồn bình thường.

Người nhân bản vô tính có tình yêu, nhưng tình cảm và khao khát được sống của họ lại bị thế giới từ chối một cách phũ phàng.

Người nhân bản vô tính có tình yêu, nhưng tình cảm và khao khát được sống của họ lại bị thế giới từ chối một cách phũ phàng.

Kathy H và Tommy D đã chứng minh rằng người nhân bản vô tính có tình yêu thật sự. Họ khao khát được sống, được yêu và được công nhận như một con người bình thường. Nhưng sự tàn nhẫn của khoa học đã chặt đứt hi vọng được trì hoãn hiến tạng của họ. Người ta dửng dưng trước cái chết tức tưởi của người nhân bản vô tính trên bàn mổ.

Diễn xuất ám ảnh của dàn diễn viên

Diễn xuất có chiều sâu của dàn diễn viên gồm Carey Mulligan (Kathy H), Keira Knightley (Ruth C) và Andrew Garfield (Tommy D) đã góp phần làm nên sức ám ảnh khó quên cho Never Let Me Go. Hàng loạt tờ báo lớn như The Guardian, The Daily Telegraph, Cleveland Magazine đã không tiếc lời ca ngợi diễn xuất của Carey Mulligan và Andrew Garfield. Màn nhập vai xuất sắc của 2 ngôi sao cũng đã được công nhận qua nhiều giải thưởng cá nhân tại các lễ trao giải điện ảnh uy tín.

Carey Mulligan và Andrew Garfield chuyển tải gần như trọn vẹn tinh thần của nhân vật Kathy H và Tommy D trong tiểu thuyết. Hay nói cách khác, họ thực sự là Kathy H và Tommy D bước ra từ trong trang văn của Kazuo Ishighuro. Hai ngôi sao đã mang đến một tình yêu vừa đẹp đẽ vừa đau khổ, vừa vô hình vừa dữ dội, lay động trái tim hàng triệu người xem.

Diễn xuất của dàn diễn viên, đặc biệt là Andrew Garfield trong vai Tommy D nhận được nhiều lời tán dương từ giới phê bình.

Diễn xuất của dàn diễn viên, đặc biệt là Andrew Garfield trong vai Tommy D nhận được nhiều lời tán dương từ giới phê bình.

Các nhân vật trong Never Let Me Go không có quá nhiều lời thoại. Những mẩu đối thoại diễn ra rời rạc, mệt mỏi như chính số phận và tâm hồn của họ.

Bi kịch chủ yếu được thể hiện qua ánh mắt của nhân vật. Những đôi mắt ẩn chứa vô vàn thái cực cảm xúc đối nghịch, có hi vọng - tuyệt vọng, có cam chịu - khao khát đấu tranh, có hạnh phúc vì được yêu - đau khổ âm thầm… Họ vùng vẫy, giằng xé trong những xúc cảm đó, sống một cuộc đời bế tắc không lối thoát tận đến lúc ra đi.

Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bi-tham-phan-nguoi-duoc-nuoi-de-lay-noi-tang-trong-never-let-me-go-post973769.html