Nhạc sĩ Trần Tiến kể quá khứ nghèo khó
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh ra tại Hà Nội, những kỷ niệm ngày thơ ấu của ông gắn liền với Hà Nội. Ông ra Hà Nội theo lời mời của BTC triển lãm 'Hà Nội trong mắt ai'. Tại đây, ông có những chia sẻ về nơi ông lớn lên và những kỷ niệm trong hành trình sáng tác.
Không có nổi một đồng khi Nam tiến
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng nhạc sĩ Trần Tiến có nhiều năm sinh sống tại TPHCM. Kể về ngày đầu tiên lên tàu vào TPHCM, ông cho biết không có nổi "một đồng, một cắc", thậm chí không đủ tiền để mua vé đi tàu.
"Khi vào TPH tôi đi nhờ vé của người quen làm ngành đường sắt. Trong túi lúc đó không có nổi một đồng, một cắc. Vợ con tôi ra ga, tiễn tôi về phương Nam cũng không mang tiền, chỉ tiễn tôi lên tàu", nhạc sĩ Trần Tiến kể.
Ông gặp và vay tiền của một nhạc sĩ trẻ cùng trên chuyến tàu Nam tiến. Nhạc sĩ này cũng giúp Trần Tiến kiếm đủ tiền cho 3 ngày 3 đêm trên tàu. Vì vậy, đến khi xuống tàu ông lại không còn đồng nào trong túi.
Trần Tiến quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên đã thuê xích lô về nhà ông. Khi đến nơi, Trần Tiến phải nhờ người thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả tiền xích lô.
"Tôi sống ở nhà anh Trịnh Công Sơn 3 ngày. Sau đó ngượng cũng vì sợ làm phiền gia đình anh, tôi ra ngoài và bắt đầu lăn lộn kiếm sống. Thời điểm đó, anh Dương Thụ phụ trách một tụ điểm âm nhạc nên đã cho tôi đi hát tại quán để kiếm tiền. Khán giả thích thú, vỗ tay và tôi có tiền để sống", nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ.
Quy định mỗi tuần phải đổi một bài hát mới đã thôi thúc ông viết ra hàng loạt ca khúc khác để biểu diễn. Cũng từ đó, nhiều bài hát như Vết chân tròn trên cát, Mặt trời bé con, Giai điệu Tổ quốc... ra đời. Ông cho biết đã viết liên tục và sở hữu hơn 100 bài hát.
Sau thời gian nổi tiếng, ông mong muốn chuyển hướng nên quyết định học giao hưởng. Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoàng Vân đã nói một câu khiến Trần Tiến từ bỏ giao hưởng và chuyên tâm sáng tác.
"Khi thầy về nhạc viện giảng dạy, ông gặp tôi và hỏi lý do dạo gần đây tôi không viết nhạc. Tôi kể với thầy rằng mình đang học giao hưởng. Thầy chỉ nói đúng một câu: Chưa làm lính đừng vội làm quan Tiến ạ. Điều này khiến tôi thức tỉnh và quyết định chỉ tập trung vào sáng tác, viết ca khúc, bởi đây mới là thế mạnh của tôi", nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự.
Suýt trở thành rể Lào
Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp và Thanh niên ra tiền tuyến là hai ca khúc nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác khi ông 17 tuổi, không biết một nốt nhạc nào.
"Lúc ấy tôi đang ở tuyến lửa Vĩnh Linh - mặt trận máu lửa nhất. Khu vực ấy bị quân đội Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Nghĩ đến cảnh bạn tôi lên đường tham gia chiến trường đã thôi thúc tôi viết một bài hát tặng bạn. Bạn tôi thuộc hết bài và hát trên đường Trường Sơn, đó là điểm xuất phát giúp tôi quyết tâm học nhạc", nhạc sĩ Trần Tiến kể lại.
Ông cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Chu Minh và các văn nghệ sĩ lên đường sang Lào giao lưu văn hóa. Thời ở Lào, ông quen một cô gái rất thích bài hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp. Cô ấy còn xin đặt tên Lào cho nhạc sĩ Trần Tiến.
"Tên Lào đấy có nghĩa là hạnh phúc suốt đời. Bài hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp không phải tôi viết tặng cô ấy mà tôi viết chung chung, nhưng mà ai cũng nghĩ là tôi viết để tặng cô. Cô thích lắm, đòi cưới tôi. Lúc đó tôi trẻ quá có biết lấy vợ là gì đâu, chỉ muốn đi hát với đoàn thôi. Anh Đỗ Nhuận cứu tôi, nếu không bây giờ tôi làm rể nước Lào rồi", nhạc sĩ Trần Tiến kể.
Trong buổi giao lưu có sự xuất hiện của ca sĩ An Nhiên - giọng ca đi lên từ chương trình Giọng hát Việt 2018. Trong buổi giao lưu với khán giả Thủ đô, cô trình bày một số ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến như Sắc màu, Giấc mơ Chapi và song ca với nhạc sĩ Trần Tiến bài hát Tạm biệt chim én.
Nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác gần 60 năm nay và có rất nhiều ca khúc nổi tiếng. Trong đó, nhiều ca khúc thành công khi kể những câu chuyện, số phận, khắc họa tâm hồn người phụ nữ như: Mẹ tôi, Chị tôi, Sao em nỡ vội lấy chồng, Tóc gió thôi bay…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhac-si-tran-tien-ke-qua-khu-ngheo-kho-post1652870.tpo