Bị thôi học vì ăn phải có mẹ đút, thần đồng Trung Quốc giờ ra sao?
Sau khi bị cho thôi học vì kỹ năng sinh tồn kém, Ngụy Vĩnh Khang dần trưởng thành. Giờ đây, người từng được gọi là thần đồng sống cuộc đời bình thường nhưng hạnh phúc.
Ngụy Vĩnh Khang (37 tuổi, ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) từng được truyền thông nước này gọi là thần đồng đặc biệt. Câu chuyện của chàng thiếu niên trở thành bài học nhắc nhở phụ huynh khi nuôi dạy con cái.
2 tuổi đã thuộc hơn 1.000 chữ, 13 tuổi đỗ đại học
Nhờ sự dạy dỗ của bà mẹ Tăng Học Mai, mới 2 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã học thuộc 1.000 ký tự tiếng Trung. 4 tuổi, cậu học xong tiểu học và 8 tuổi thi đỗ trường trung học trọng điểm của tỉnh.
Con đường của thần đồng nhí tiếp tục rộng mở, khi 13 tuổi đỗ khoa Vật lý, Đại học Tương Đàm, trở thành sinh viên trẻ nhất tỉnh Hồ Nam lúc bấy giờ. 17 tuổi, cậu hoàn thành bậc cử nhân, được nhận vào hệ sau đại học của Viện Vật lý năng lượng cao (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc).
Ngụy Vĩnh Khang trở thành hình mẫu của nhiều phụ huynh, được tung hô gọi là “huyền thoại” của nền giáo dục Trung Quốc.
Nhưng điều đáng tiếc xảy ra vì cách giáo dục con sai lầm của người mẹ.
Khi Ngụy Vĩnh Khang một mình tới Bắc Kinh học tập, chàng thanh niên trẻ không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
KK news thuật lại vào mùa đông, nam sinh không biết mặc áo ấm, chỉ đi đôi dép lê cùng áo khoác mỏng tới Thiên An Môn. Nhiệt độ ngoài trời thậm chí dưới 0 độ C. Rất nhiều du khách xung quanh nhìn Ngụy Vĩnh Khang như người không bình thường.
Sự thiếu hụt về kinh nghiệm sống xuất phát từ việc người mẹ chăm sóc, bao bọc con trai quá mức.
8 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang không biết làm vệ sinh cá nhân. Bà Tăng Học Mai thuê riêng căn nhà để ở và chăm sóc con trai: Bón cơm, tắm giặt, rót nước. Thậm chí, con mắc tiểu, bà Mai mang bô tới.
Mong muốn con sớm thành tài, người mẹ không cho Ngụy Vĩnh Khang giao du bạn bè. Dần dần, thần đồng nhí trở thành đứa trẻ trong hình hài người trưởng thành, không bè bạn.
Khi con vào đại học, bà cũng đi theo phục vụ. Năm 2000, khi Vĩnh Khang đỗ Viện Khoa học Trung Quốc làm nghiên cứu sinh, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình.
Rời khỏi vòng tay mẹ, Ngụy Vĩnh Khang vấp ngã vì không thể làm công việc cá nhân, dù nhỏ nhất. Cuộc sống của thần đồng sinh năm 1983 lộn xộn, bừa bãi, bẩn thỉu. Ngay cả buổi thi tốt nghiệp, Ngụy Vĩnh Khang quên mất thời gian, bỏ lỡ cơ hội học lên tiến sĩ.
Tháng 8/2003, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - nơi ban đầu tuyển thẳng Ngụy Vĩnh Khang - đã buộc nam sinh này thôi học. Lý do được đưa ra là thiếu kỹ năng chăm sóc bản thân, không thích nghi với môi trường nghiên cứu.
Học cách làm người bình thường sau vấp ngã
Sau khi rời Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Ngụy Vĩnh Khang không dám trở về quê nhà. Chàng thanh niên lang thang nhiều nơi để tìm cách sống. Cuối cùng, cậu tìm một công việc bán thời gian ở gần Hồ Nam.
Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của mình, thần đồng năm nào không do dự trả lời: “Tôi muốn được đi học. Đọc sách và nghiên cứu là điều khiến tôi hạnh phúc”.
Dưới áp lực của dư luận, bà Tăng Học Mai đã nhận ra cách giáo dục sai lầm là yếu tố khiến con mất khả năng tự vệ. Bà mẹ tìm cách dạy lại con trai, hướng dẫn Ngụy Vĩnh Khang làm việc nhà, mời bạn bè đến chơi và giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Sau này, Ngụy Vĩnh Khang học được cách sinh tồn, tự chăm sóc bản thân - điều đáng lẽ anh biết từ bậc tiểu học.
Hai năm sau, công ty nghiên cứu khoa học ở Thượng Hải mở chi nhánh tại Hồ Nam, mời Ngụy Vinh Khang làm nghiên cứu viên. Tại đây, anh gặp tình yêu của đời mình. Để theo đuổi cô gái trong mộng, chàng trai chuyển tới Thâm Quyến làm việc.
Ngụy Vĩnh Khang chinh phục được mối tình đầu và cùng cô gái kết hôn. Con trai đầu lòng chào đời cũng là lúc người đàn ông sinh năm 1983 thêm áp lực làm cha. Anh quyết định tiếp tục học tập và hoàn thiện bản thân để trở thành điểm tựa cho vợ con.
Năm 2009, anh được nhận vào làm nghiên cứu sinh ngành Vật lý tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Ngụy Vĩnh Khang chú tâm học và nhanh chóng nhận bằng thạc sĩ.
Từ năm 2010 đến nay, anh chuyển sang phát triển phần mềm. Khi rảnh rỗi, huyền thoại của nền giáo dục Trung Quốc dành thời gian cho gia đình, đưa cả nhà đi chơi.
Chia sẻ với Sohu, anh tâm niệm cuộc sống hiện tại bình thường như bao người khác nhưng được sống là chính mình, luôn hạnh phúc.