Bí thư các xã, phường mới của Hà Nội nêu kiến nghị sau 8 ngày vận hành chính quyền 2 cấp

Bí thư các xã phường mới tại Hà Nội chia sẻ sau 8 ngày vận hành cho thấy chính quyền 2 cấp thực sự là bước thay đổi căn bản, đưa chính quyền cơ sở thành chính quyền của hành động, kiến tạo và chịu trách nhiệm trực tiếp hơn…

Chiều ngày 8-7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội và một số nội dung chuyên đề quan trọng trình tại kỳ họp.

Thảo luận tại tổ, nhiều bí thư các xã, phường mới của Hà Nội đã chia sẻ các trải nghiệm sau một tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp…

Chính quyền hai cấp, chịu trách nhiệm trực tiếp hơn

Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Đảng ủy phường Đống Đa, cho biết với kinh nghiệm từng công tác trong cả hai mô hình - chính quyền địa phương ba cấp và nay là hai cấp – ông nhận thấy sự chuyển đổi lần này là bước thay đổi rất căn bản.

“Với mô hình hai cấp, chính quyền xã, phường trở thành chính quyền hành động, kiến tạo và chịu trách nhiệm trực tiếp”, ông Việt nhấn mạnh.

Dù mới vận hành trong thời gian ngắn, ông cho biết không khí làm việc tại cơ sở đã rất khác: Chủ động hơn, trực tiếp hơn. Việc tái lập HĐND phường cũng diễn ra suôn sẻ nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương và Thành ủy Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền cơ sở tổ chức kỳ họp, phân bổ ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

 Bí thư Đảng ủy phường Đống Đa Nguyễn Ngọc Việt.

Bí thư Đảng ủy phường Đống Đa Nguyễn Ngọc Việt.

Tuy vậy, ông Việt cũng thẳng thắn nêu một số khó khăn phát sinh từ thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề thiếu hụt nhân lực chuyên môn sâu khi quận phải chia nhỏ đầu mối, phân bổ về nhiều phường.

“Một phòng chuyên môn như tài chính – kế hoạch, kinh tế – hạ tầng… nay phải hỗ trợ 5-7 phường thì lực lượng chắc chắn không thể dàn đều. Nhiều cán bộ phường nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch xã nay được phân công làm chuyên viên nhưng chưa có chuyên môn sâu về các lĩnh vực đặc thù như tài chính, đầu tư, quy hoạch, giải phóng mặt bằng…”, ông nói.

Từ thực trạng này, ông Việt kiến nghị thành phố và các sở, ngành sớm tổ chức tập huấn chuyên đề cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời có chỉ đạo cụ thể về cách phối hợp giữa phòng chuyên môn và phường nhằm đảm bảo vận hành thông suốt mô hình mới.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất UBND TP Hà Nội cần được trao quyền linh hoạt hơn trong điều hành ngân sách, tránh phải chờ kỳ họp HĐND điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi thường xuyên ở cấp phường.

Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở

“Tại địa phương chúng tôi, đến hôm nay đã là ngày làm việc thứ tám theo mô hình mới. Nhìn chung, bộ máy vận hành khá trơn tru. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số vấn đề cũng bộc lộ rõ và cần tiếp tục quan tâm xử lý”, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng, Hoàng Anh Tuấn chia sẻ khi phát biểu tại tổ.

Ông cho hay, khung bộ máy hiện nay, có sự kết hợp giữa cán bộ quận, huyện về tham gia lãnh đạo, quản lý ở xã/phường mới và cán bộ tại chỗ của xã.

 Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng Hoàng Anh Tuấn.

Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng Hoàng Anh Tuấn.

“Đội ngũ cán bộ được tăng cường từ quận, huyện có chuyên môn, trình độ và phong cách làm việc bài bản hơn, nhưng lại chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người dân. Trong khi đó, cán bộ cấp xã trước đây thường xuyên bám sát cơ sở, giải quyết công việc hằng ngày liên quan trực tiếp đến người dân, từ hành chính đến đời sống, văn hóa, xã hội”, ông phân tích.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng, sự khác biệt này tạo ra khoảng cách nhất định trong cách thức xử lý công việc. Cán bộ cấp huyện về có thể giỏi chuyên môn, nhưng thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống sát dân; trong khi cán bộ xã tuy gần dân nhưng còn hạn chế về trình độ, kỹ năng tổng hợp.

“Do đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp hành chính cho cán bộ xã/phường là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, cũng cần có cơ chế rõ ràng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt ở cơ sở, như vị trí Trưởng thôn, hay Bí thư chi bộ ở thôn. Phải lựa chọn người có năng lực, có trình độ, am hiểu địa bàn... Cần sàng lọc, bồi dưỡng, đào tạo những lớp cán bộ kế cận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho xã, phường

Về phân cấp, ủy quyền, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh “đây là khâu đặc biệt quan trọng để đảm bảo chính quyền hai cấp hoạt động hiệu quả”.

“Sắp tới, một xã/phường có thể phải giải quyết hơn 400 thủ tục hành chính – tương đương với khối lượng công việc của cấp huyện trước đây. Như vậy, áp lực lên bộ máy cơ sở là rất lớn. Do đó, cần giao rõ quyền, đúng người, đúng việc, phân cấp phải đi kèm với trách nhiệm và nguồn lực. Phải rà soát kỹ lưỡng: thủ tục nào xã/phường mới đủ điều kiện thực hiện thì mạnh dạn giao, còn chưa đủ điều kiện thì vẫn ủy quyền có lộ trình, tránh gây quá tải, ách tắc cho cơ sở”, ông Tuấn nêu.

 Quang cảnh phiên họp tổ (tại tổ 3), kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI chiều ngày 8-7.

Quang cảnh phiên họp tổ (tại tổ 3), kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI chiều ngày 8-7.

Theo ông Tuấn việc bàn giao các dự án, công trình từ cấp huyện về cho xã/phường thực hiện vừa qua được triển khai rất kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, đề nghị thành phố đẩy nhanh phân cấp về quản lý nguồn thu – đặc biệt là thu tiền sử dụng đất.

“Nếu xã/phường được giao chủ động tổ chức đấu giá đất, thì đây sẽ là động lực lớn để tăng thu, tăng đầu tư phát triển. Khi đó, địa phương mới có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phục vụ trực tiếp cho người dân”, ông Tuấn nói.

Về vấn đề quy hoạch, ông Tuấn cho hay thời gian qua thành phố đã rất khẩn trương triển khai các quy hoạch lớn như: quy hoạch sông Hồng, không gian ngầm, đường vành đai 4… Sau khi Quy hoạch Thủ đô được điều chỉnh (theo Quyết định 1289), thành phố cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch chi tiết. Có quy hoạch rõ ràng thì mới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội và triển khai hạ tầng đồng bộ cho các đơn vị hành chính mới.

“Cuối cùng, tôi đề nghị thành phố sớm cụ thể hóa 28 nghị định của Chính phủ liên quan đến bộ máy chính quyền hai cấp. Đây là những quy định rất quan trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tổ chức, biên chế, tài chính, đầu tư công… Địa phương rất mong sớm có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn từng quận, huyện, xã, phường để triển khai đồng bộ, hiệu quả”, ông Tuấn nói.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-thu-cac-xa-phuong-moi-cua-ha-noi-neu-kien-nghi-sau-8-ngay-van-hanh-chinh-quyen-2-cap-post859326.html