Bí thư Cần Thơ: 'Nhiều giáo viên, bác sĩ không có nhà, phải ở thuê lay lắt'
'Rất nhiều y, bác sĩ không có nhà, phải ở thuê, lay lắt, giáo viên cũng thế. Các dự án nhà ở xã hội triển khai là phải có danh sách ưu tiên, thông tin đầy đủ đến các cơ quan để cán bộ nhân viên đăng ký, để anh chị em an tâm công tác, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố' – Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu.
Chiều 22/8, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu thăm các điểm trường và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cần Thơ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT thành phố đã linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả trên nhiều phương diện.
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học mới 2023-2024, Sở đã chỉ đạo các trường bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng dạy học. Rà soát, sắp xếp, bố trí số lượng học sinh trên lớp, nhóm lớp và cơ cấu lại viên chức, giáo viên (GV) theo đúng định mức quy định; thống kê số lớp, số học sinh và dự kiến số lượng người làm việc năm học 2023-2024.
Theo ông Bình, một khó khăn lớn của ngành là tình trạng thiếu GV, ngành đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tuyển dụng nhưng chưa đủ, hiện thành phố thiếu 680 GV (nhiều nhất là cấp mầm non và tiểu học). Trước mắt, phương án là hợp đồng, chờ tuyển dụng, phân công phân nhiệm để tránh thiếu GV cục bộ ở những môn mới…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, do vậy phải thực sự là trung tâm của từng lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, kết nối giao thông vùng… Tuy nhiên, ngành GD&ĐT Cần Thơ thuộc top 20 của cả nước là chưa xứng tầm, bởi là thành phố trực thuộc trung ương, là thủ phủ của vùng.
“Làm sao quan tâm để nâng cao chất lượng GD&ĐT, không bằng lòng với những gì mình có, phải quyết tâm nỗ lực cao hơn nữa mới xứng tầm của thành phố. GD&ĐT phải gắn với phục vụ phát triển kinh tế xã hội" – ông Hiếu lưu ý.
Ngoài phát triển chất lượng, số lượng cơ sở GD&ĐT khối công lập, Bí thư Cần Thơ lưu ý, cần quan tâm tăng cường khối dân lập, tư thục, quốc tế… để cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ GD&ĐT trên địa bàn, để con em không chỉ ở Cần Thơ mà các tỉnh vùng ĐBSCL vào học, không phải đi lên TPHCM.
“Nghiên cứu, đề xuất có chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực ngành y tế và giáo dục. Việc này có cơ sở để làm, cần có đề án, làm sao thấu đáo để cân đối được ngân sách” – ông Hiếu nói.
Về tình trạng thiếu GV, ông Hiếu nêu vấn đề: “Sinh viên ở đây nhiều, nhưng sao các em ra trường không muốn ở đây, thiếu là thiếu như thế nào? Cần tăng cường mời gọi sớm, đặt hàng sớm với các trường, chủ động quảng bá để thu hút…”.
Cho rằng ngành y tế và giáo dục có khối lượng quản lý cán bộ công chức viên chức đông, nhưng điều kiện nhà ở cho lực lượng này còn khó khăn, Bí thư Cần Thơ đề nghị Sở Xây dựng khi triển khai các dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến đội ngũ này.
“Rất nhiều y bác sĩ không có nhà, phải ở thuê, lay lắt, giáo viên cũng thế. Các dự án nhà ở xã hội triển khai là phải có danh sách ưu tiên, thông tin đầy đủ đến các cơ quan để cán bộ nhân viên đăng ký, để anh chị em an tâm công tác, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố” – ông Hiếu yêu cầu.
Ông Hiếu yêu cầu quan tâm tới những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Không vì hai chữ khó khăn đó mà phải bỏ dạy, bỏ học. "Thành phố phải dang tay ra, ngành giáo dục lo phần nào, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội lo phần nào, chính quyền địa phương, quỹ khuyến học lo phần nào… Tất cả phải xúm vào mà lo, phải phấn đấu, phấn đấu hết mức” – Bí thư Cần Thơ lưu ý thêm.
Người đứng đầu Thành ủy Cần Thơ đề nghị xây dựng ngay giải thưởng nhà giáo tiêu biểu thành phố Cần Thơ để trao hằng năm vào mỗi dịp 20 tháng 11, bên cạnh nguồn ngân sách, cần vận động xã hội hóa để tăng giá trị giải thưởng, để có thêm động lực. Nghiên cứu có chế độ khen thưởng cho những học sinh có thành tích trong học tập, thi cử, xuất sắc trong các kỳ thi…