Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND: Kết quả là sự hài lòng của người dân
Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp (nhất thể hóa) được đề ra cách đây 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Trung ương Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Năm 2009, Bình Phước triển khai thí điểm tại 3 đơn vị, đến nay toàn tỉnh có 22/111 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này.
“Chọn mặt gửi vàng”
Để thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa, ngày 1-7-2009, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 45-HD/BTCTU, chọn 3 đơn vị: xã Đường 10, huyện Bù Đăng; xã Minh Thành, huyện Chơn Thành; thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 22/111 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này. Các đơn vị được chọn đều có kinh tế, xã hội phát triển ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất; công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ được thực hiện tốt. Các đơn vị được chọn thí điểm cũng đảm bảo đặc điểm vùng, miền và trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau, bảo đảm tính khách quan, thuận tiện cho việc đánh giá, rút kinh nghiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà động viên tại buổi gặp gỡ các bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sáng 27-9-2018 - Ảnh: Thùy Hương
Các đơn vị được chọn thực hiện nhất thể hóa đều đạt đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đảng bộ thị trấn Tân Phú năm 2013 được Tỉnh ủy tặng cờ thi đua, đạt thành tích trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền từ 2009-2013. Đảng bộ xã Minh Thành năm 2014 được Tỉnh ủy tặng bằng khen, đạt thành tích trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền từ 2010-2014. Đảng bộ phường An Lộc (Bình Long) năm 2017 được Tỉnh ủy tặng bằng khen, đạt thành tích trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền từ 2013-2017...
Trong số 22 bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã, có 7 người trình độ sau đại học, 15 người trình độ đại học, 18 cao cấp chính trị, 4 trung cấp chính trị, 7 người trên 50 tuổi, 12 người trên 40 tuổi, 3 người dưới 40 tuổi, tin học và ngoại ngữ đều đạt chuẩn quy định về công chức.
Đạt cả chất và lượng
Sau khi thí điểm mô hình nhất thể hóa tại xã Đường 10, tháng 4-2017, huyện Bù Đăng đã chuyển mô hình này về xã Nghĩa Trung và hiện toàn huyện có 6/16 xã, thị trấn thực hiện mô hình này gồm: Nghĩa Trung, Thọ Sơn, Minh Hưng, Bom Bo, Đức Liễu, Nghĩa Bình. Đội ngũ nhân sự được chọn lọc đảm bảo nhiều yếu tố như độ tuổi, trình độ, đạo đức, chuyên môn.
Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp là mô hình đột phá được chứng minh qua thực tiễn mang lại hiệu quả cao trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, triển khai thực hiện. Chủ trương tỉnh đặt ra tiếp tục nhân rộng và phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 35-40% số xã thực hiện mô hình này.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Qua triển khai thực tế mô hình nhất thể hóa trên địa bàn huyện, nhiều mặt công tác được đánh giá có sự tiến bộ về quản lý, điều hành, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị. Điển hình như xã Nghĩa Trung, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần thương mại - dịch vụ, năm 2018 tỷ trọng nông nghiệp 68%, thương mại - dịch vụ 21,5%, công nghiệp - xây dựng 10,5%. Nghĩa Trung chỉ còn 73 hộ nghèo, chiếm 3,5% tổng số hộ toàn xã, so với năm 2016 giảm 25 hộ...
Phó ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đăng Lê Văn Tân cho rằng: Việc thực hiện mô hình nhất thể hóa khắc phục được tình trạng sai thẩm quyền hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo của Đảng hoặc né tránh, chồng chéo trong quản lý, điều hành. Cấp ủy, HĐND, UBND các xã đã kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc phù hợp vai trò, nhiệm vụ của từng chức danh; xác định rõ chức trách nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của bí thư kiêm chủ tịch UBND xã với cấp ủy, HĐND; phân định rõ những công việc được thực hiện theo chế độ tập thể lãnh đạo và chế độ trách nhiệm cá nhân. Quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa các bộ phận quy định rõ ràng, khoa học và dân chủ, nên công việc triển khai được thực hiện nhanh gọn, sáng tạo; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Kết quả cuối cùng là sự hài lòng của người dân
Việc triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa đã giúp các đơn vị chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy. Các chủ trương, nghị quyết đề ra đều thực hiện ngay, giải quyết công việc nhanh và đạt hiệu quả cao, đảm bảo vai trò lãnh đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy đối với chính quyền. Các bộ phận chuyên môn thực hiện nhiệm vụ nhanh nhẹn, linh hoạt hơn. Khắc phục được tình trạng chậm trễ kéo dài, không để người dân phải chờ đợi lâu. Vai trò của các phó bí thư, phó chủ tịch HĐND, UBND và thành viên UBND trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao; công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn... Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy kiêm chủ tịch UBND xã giải quyết các vấn đề phát sinh được kịp thời và linh động hơn.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Long Bình (Phú Riềng) Lê Văn Chung cho biết: Thực hiện nhất thể hóa đã giảm được một số thủ tục báo cáo, xin ý kiến, chờ chủ trương. Có sự đồng thuận và nhất trí cao trong cấp ủy và chính quyền, đội ngũ cán bộ. Tránh đùn đẩy trách nhiệm, chấm dứt thực trạng Đảng ra nghị quyết nhưng chính quyền từ từ triển khai. Giảm được nhiều cuộc họp do Đảng ủy và UBND họp triển khai luôn nên không phải triển khai lại để các bộ phận chuyên môn thực hiện, phối hợp giữa giao ban bí thư chi bộ, trưởng thôn và ban công tác mặt trận hằng tháng nên giảm bớt hội nghị ban thường vụ, ban chấp hành mở rộng, các thôn cũng nắm được chủ trương và công việc thực hiện nên thống nhất trong chỉ đạo, giảm hội họp, tập trung cho công việc...
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng: Khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình này là khối lượng công việc nhiều. Nếu làm việc thiếu khoa học sẽ dẫn đến lúng túng trong sắp xếp hài hòa giữa công tác đảng và công tác chính quyền. Việc sắp xếp thời gian, lịch công tác của đồng chí bí thư kiêm chủ tịch UBND vẫn chưa đồng nhất do có sự trùng lắp giữa cấp huyện và cấp xã. Thời gian dành cho hội họp nhiều, một số cuộc họp không thể bố trí cấp phó đi thay vì chỉ đích danh nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc chỉ đạo, điều hành công việc ở cơ sở. Chế độ, chính sách cho cán bộ kiêm nhiệm chưa thực sự phù hợp nên chưa động viên, khuyến khích cán bộ.
Mục đích việc đổi mới, áp dụng các mô hình tổ chức bộ máy về bản chất đều vì lợi ích của nhân dân, hướng tới kết quả cuối cùng là sự hài lòng của người dân. Đó cũng chính là sự khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn mô hình và do thực tiễn kiểm định. Mang lại lợi ích của nhân dân là trách nhiệm của Nhà nước, qua đó khẳng định vai trò, uy tín của Đảng. Do vậy, việc lựa chọn mô hình càng phải cẩn trọng, không nên để sai sót mà cần tính đến sự phù hợp của cơ sở và thời điểm triển khai thực hiện.