Bí thư Chi bộ Bản Cuôn miệng nói tay làmLâm Bình phát triển dịch vụ du lịch homestay Đi dân nhớ, ở dân thươngHồng Thái: Sức hút từ nông sản sạchNghĩa cử cao đẹp Ngày Thương binh - Liệt sỹCông nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang vào caĐa sắc màu các

Là thôn khó khăn nhất ở xã Yên Hoa với 61 hộ dân sinh sống, 100% là người Tày nhưng người dân nơi đây đã một lòng đoàn kết đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu là thực hiện kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 03 ngày 13-7-2016 của HĐND tỉnh.

Ông Tuy đã cùng chi ủy và đảng viên trong chi bộ vận động nhân dân đóng góp 120 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa của thôn. Ông đã vận động hộ anh Vi Văn Hành hiến 300m2 đất đồi để thôn làm nhà văn hóa. Để vận động được đảng viên và nhân dân trong thôn đồng thuận, gia đình ông Tuy luôn gương mẫu đóng góp trước. Không quản mưa, nắng, không quản địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, ông luôn tranh thủ thời gian đến từng hộ gia đình nắm bắt tâm tư để làm tốt công tác dân vận. Ngoài làm nhà văn hóa, thôn Bản Cuôn còn đi đầu trong kiên cố hóa kênh mương và làm đường giao thông vào khu sản xuất. Đến nay, 100% kênh mương của thôn đã được kiên cố hóa, trên 400 mét đường giao thông vào khu sản xuất được bê tông hóa.

 Không quản đường giao thông vất vả, ông Hoàng Văn Tuy (trái) luôn tranh thủ thời gian đến từng hộ dân để vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Không quản đường giao thông vất vả, ông Hoàng Văn Tuy (trái) luôn tranh thủ thời gian đến từng hộ dân để vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Anh Vi Văn Hành, người dân ở Bản Cuôn cho biết: “Nhờ có sự gương mẫu và vận động, tuyên truyền của Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tuy, người dân Bản Cuôn này thêm tin tưởng và phấn khởi khi thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Hiểu cái bụng của bà con Bản Cuôn nên khi triển khai công việc gì của thôn, người dân như mình cũng đồng lòng thôi”.

Ông Tuy chia sẻ, học tập và làm theo lời Bác, muốn thành công thì trước hết mình phải đoàn kết, đoàn kết từ trong chi bộ cho tới đoàn kết nhân dân. Công việc gì cũng phải bàn bạc, thống nhất ý kiến trong chi bộ rồi mới đưa ra bàn bạc rộng rãi trong nhân dân.

Nhà văn hóa thôn Bản Cuôn được xây dựng từ sự đồng lòng và đóng góp của nhân dân.

Nhà văn hóa thôn Bản Cuôn được xây dựng từ sự đồng lòng và đóng góp của nhân dân.

Không chỉ gương mẫu trong thực hiện các công trình hạ tầng của thôn rồi vận động nhân dân làm theo, ông Tuy còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất khó. Tận dụng lợi thế đất đồi, từ nhiều năm nay, ông đã đầu tư chăn nuôi lợn đen. Thời điểm ông nuôi nhiều nhất là 40 con. Mỗi năm ông xuất bán từ 2 - 3 tạ lợn đen. Ông vận động nhiều hộ trong thôn cùng nuôi lợn đen. Hộ nào ở Bản Cuôn giờ cũng chăn nuôi lợn đen.

Theo ông Tuy, mỗi năm cả Bản Cuôn xuất bán hàng chục tấn lợn đen. Những năm trước đây, Bản Cuôn chỉ trồng các giống lúa thuần, nhưng bắt đầu từ hai năm trở lại đây, thôn đã chuyển sang trồng các giống lúa lai cho năng suất cao hơn. Ông Tuy là người đầu tiên đưa vào trồng giống lúa Hương ưu 98, sau đó ông vận động nhân dân trong thôn chuyển đổi. Ông Tuy cho biết, giống lúa Hương ưu 98 cho năng suất bình quân từ 70-80 tạ/ sào; trong khi đó, giống lúa thuần chỉ cho năng suất từ 55 đến 60 tạ/ sào.

Ông Vi Văn Cường, người dân trong thôn phấn khởi: "Nhà mình có 4 sào lúa. Nghe theo lời Bí thư Chi bộ, nhà mình đều đưa vào trồng giống lúa lai mới. Năng suất mấy vụ gần đây cao hơn nhiều”.

Ông Hoàng Văn Tuy kiểm tra kênh mương nội đồng.

Ông Hoàng Văn Tuy kiểm tra kênh mương nội đồng.

Không chỉ phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, Bản Cuôn còn phát triển rừng. Cả thôn hiện có trên 100 ha rừng trồng. Từ diện tích rừng 327 được Nhà nước cấp, hộ ông Tuy và nhiều gia đình khác ở Bản Cuôn đã đầu tư trồng rừng. Gia đình ông hiện có 10 ha rừng. Ông bảo chỉ 3 năm nữa, diện tích rừng của gia đình ông và nhiều hộ khác trong thôn sẽ được khai thác. Đời sống người dân ở Bản Cuôn sẽ có nhiều khởi sắc.

Chúng tôi đi bộ cùng ông đến những hộ dân, qua nhiều đoạn đường khó, thấy ông ít nói nhưng đến đâu gặp ông, nhân dân cũng tay bắt mặt mừng. Ông bảo: “Dân vận không có nghĩa là cứ nói ào ào. Bà con dân tộc mình không thích nói nhiều mà nhìn việc làm thôi. Để đời sống bà con phát triển hơn mình càng phải làm nhiều hơn”.

Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/longform/bi-thu-chi-bo-ban-cuon-mieng-noi-tay-lam-121113.html