Bí thư chi bộ giỏi không chỉ từ hội thi

Hội thi Bí thư chi bộ giỏi huyện Đồng Hỷ năm 2024 đã khép lại, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ huyện. Những kiến thức, việc làm thực tiễn của các bí thư chi bộ tại Hội thi đã bồi đắp thêm kinh nghiệm quý báu cho công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bí thư Chi bộ xóm Trung Sơn Lê Thị Huyền Trang (bên trái, xã Quang Sơn, Đồng Hỷ) hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc Mông thâm canh na rải vụ.

Bí thư Chi bộ xóm Trung Sơn Lê Thị Huyền Trang (bên trái, xã Quang Sơn, Đồng Hỷ) hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc Mông thâm canh na rải vụ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Hỷ, chia sẻ: Dư âm đọng lại trong cảm nhận của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2024 của huyện là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, ở đó có vai trò xuyên suốt của người bí thư chi bộ giỏi, giàu tâm huyết. Bước vào Hội thi, các đồng chí bí thư chi bộ là thí sinh, nhưng trong công việc thực tiễn, họ là hạt nhân chính trị lãnh đạo tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long, đồng chí Ngô Quốc Hưng luôn tâm huyết với việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Đồng chí cho biết: Nếu quan niệm giáo dục miền núi, vùng cao chỉ thuần túy là hoạt động dạy và học tại địa phương thì rất đơn điệu, bởi đó là nhiệm vụ chuyên môn của ngành Sư phạm. Giáo viên vùng cao còn thực hiện chính sách của Nhà nước dành cho phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhiệm vụ này, 24 đảng viên/26 giáo viên của Trường đã thực hiện nghiêm túc hoạt động bám bản, bám lớp để duy trì hoạt động giáo dục. Dịp hè là lúc học sinh nghỉ học trở về với gia đình, cũng là thời điểm đội ngũ giáo viên tập trung xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học mới. Toàn Chi bộ thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo", trong đó, các đảng viên gương mẫu đi đầu.

Từ phong trào này, mỗi năm học, Trường đã có hàng trăm sản phẩm thực hành, thí nghiệm, giáo án điện tử, dạy và học trải nghiệm làm lợi trị giá hàng trăm triệu đồng. Hằng tháng, Chi bộ tổ chức sinh hoạt có sự tham gia của cấp ủy địa phương. Tại các buổi sinh hoạt, kế hoạch phát triển giáo dục miền núi, vùng cao được đảng viên quán triệt sâu rộng, từ đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng, điều kiện học tập của từng hộ dân trong vùng để vận động con em các dân tộc vùng cao ra lớp, ở nội trú, chống tái mù chữ, đồng thời phổ biến các chính sách Nhà nước hỗ trợ, chính sách kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe hôn nhân, tạo nguồn nhân lực vùng cao trong xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, mỗi tổ đảng xây dựng các hoạt động văn hóa gắn với giáo dục tại cơ sở, nhằm tăng cường sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc (Mông, Dao, Sán chí); vận động nhân dân không nghe theo các tà đạo, mê tín dị đoan… Từ những việc làm cụ thể này, tham gia Hội thi, Bí thư Chi bộ Ngô Quốc Hưng đã xuất sắc đoạt giải Nhất.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những vấn đề đặt ra đối với Hội thi. Từ thực tiễn công tác tại Chi bộ Trung Sơn, xã Quang Sơn, Bí thư Chi bộ Lê Thị Huyền Trang đã xuất sắc đoạt giải Nhì.

Với đặc thù là vùng dân cư có trên 70% dân tộc Mông sinh sống, Bí thư Chi bộ Lê Thị Huyền Trang đã xây dựng kế hoạch công tác dựa trên hình thức phân công trách nhiệm cho từng đảng viên phụ trách từng nhóm hộ, cụm dân cư. Hằng tuần báo cáo tình hình địa bàn dân cư qua tin nhắn điện thoại di động theo biểu đánh giá tiến độ và chất lượng công việc. Hằng tháng sinh hoạt chi bộ, 10/10 đảng viên đều thực hiện báo cáo công tác sát với thực tế.

Từ phân công và giao nhiệm vụ báo cáo cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin và Sổ tay đảng viên điện tử, nên buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng chuyển tải đủ lượng thông tin cần thiết. Đặc biệt, hoạt động giám sát, quản lý sử dụng vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn duy trì hiệu quả cao. Cả xóm có hơn 100 hộ đang vay vốn phát triển sản xuất, với dư nợ trên 2 tỷ đồng, nhiều năm qua không có nợ xấu, nợ quá hạn…

Từ năm 2022 đến nay, xóm Trung Sơn đã xây dựng được vùng cây ăn quả (na dai) theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 30ha; nhân rộng mô hình nuôi gà Mông từ 100 con lên trên 2.600 con. Với các hình thức tổ chức sản xuất từ xây dựng điển hình, nhân rộng mô hình; mỗi đảng viên gương mẫu thực hiện và vận động từ 10-15 hộ làm theo, nên đời sống người dân Trung Sơn đã được cải thiện tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% năm 2021, xuống còn 20% (hiện nay).

Có thể nói, hai bí thư chi bộ giỏi tiêu biểu đại diện cho hàng trăm bí thư chi bộ của Đảng bộ huyện Đồng Hỷ là một nguồn động lực để các cấp ủy đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, tiếp tục xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức đảng cũng như đội ngũ bí thư chi bộ.

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202407/bi-thu-chi-bo-gioi-khong-chi-tu-hoi-thi-685168f/