Bí thư chi bộ miệng nói lời hay, tay làm việc tốt

Phiêng Ten là một bản nhỏ nằm trên triền đồi thuộc xã Sinh Long (Na Hang). Nơi đây có 100% người Mông sinh sống. Lên tới thôn phải mất 4km đường đèo, nhiều đoạn phải đi bộ. Điều kiện còn khó khăn nhưng nhiều năm qua, Phiêng Ten là thôn 4 không (không có trẻ bỏ học, không có người sinh con thứ 3, không có tảo hôn, không vi phạm an ninh trật tự). Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư chi bộ trẻ Lầu Văn Sông. Bằng những lời hay và việc làm tốt, anh Lầu Văn Sông đã làm cho người Mông tin và nghe theo chủ trương, chính sách của Đảng để từ đó có cuộc sống khấm khá hơn.

Quan tâm phát triển đảng viên trẻ

Theo đồng chí Hoàng Trung Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sinh Long, Phiêng Ten là một trong những thôn khó khăn nhất của xã nhưng là chi bộ có đông đảng viên trẻ người Mông nhất. Thôn có 34 nóc nhà nhưng có 15 đảng viên, trong đó 100% là đảng viên người Mông. Đảng viên trẻ chiếm tới 90%. Có lực lượng đảng viên trẻ và đông nên việc triển khai công việc của thôn đều dễ dàng hơn do đảng viên trẻ xông pha, năng động. Anh Lầu Văn Sông được nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ từ năm 2017. Sau khi làm bí thư chi bộ anh đã cùng chi ủy tập trung lãnh đạo công tác phát triển đảng viên trong lực lượng đoàn viên thanh niên. Năm nào, chi bộ Phiêng Ten cũng kết nạp được đảng viên trẻ người Mông. Hôm chúng tôi tới Phiêng Ten cũng đúng vào buổi sinh hoạt chi bộ, chi bộ tổ chức kết nạp chính thức đối với đảng viên Lầu Văn Bằng, sinh năm 1994. Lầu Văn Bằng chia sẻ, sau khi học chuyên nghiệp xong, em quyết định ở nhà phát triển kinh tế gia đình và nuôi quyết tâm phấn đấu trở thành đảng viên.

Để vận động nhân dân, Bí thư chi bộ Lầu Văn Sông và các đảng viên thường xuyên phải đi bộ đến từng nhà dân.

Để vận động nhân dân, Bí thư chi bộ Lầu Văn Sông và các đảng viên thường xuyên phải đi bộ đến từng nhà dân.

Nhận thức như vậy nên Bằng là chàng trai đầu tiên ở Phiêng Ten đưa vào trồng trên 100 cây cam sành trên đất đồi, phát triển chăn nuôi trâu nhốt. Việc gì của thôn, Bằng cũng tham gia tích cực. Đảng viên trẻ Lầu Văn Bằng trong buổi lễ kết nạp cười rất tươi khi cầm trên tay quyết định trở thành đảng viên chính thức. Bí thư chi bộ Lầu Văn Sông nói với chúng tôi: “Phiêng Ten còn khó khăn do nhiều người già không biết chữ. Vì vậy, công tác vận động rất khó khăn. Người dân sống thưa thớt, mỗi nhà cách nhau có khi cả quả đồi. Muốn đi vận động thì chủ yếu là đi bộ thôi, không đi được xe máy. Vì vậy, người đi vận động phải trẻ và khỏe thì mới đi được. Mình coi trọng phát triển đảng viên trẻ là để có lực lượng tiên phong làm dân vận”. Lực lượng đảng viên vừa trẻ vừa đông nên những năm qua chi bộ đã thực hiện hiệu quả công tác phân công đảng viên phụ trách các hộ dân.

Trung bình mỗi đảng viên phụ trách từ 2 đến 3 hộ dân. Có công việc gì của thôn, đảng viên trẻ cũng là lực lượng nòng cốt. Kiên cố hóa kênh mương nội đồng, làm nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, việc vận chuyển cấu kiện và vật liệu khá khó khăn, ô tô không lên tới Phiêng Ten được nên đảng viên và nhân dân trong thôn phải “tăng - bo” bằng xe máy. Lực lượng đảng viên trẻ trong thôn lại là nòng cốt trong các khâu vận chuyển, lắp ghép. Bí thư chi bộ trẻ Lầu Văn Sông thuộc thế hệ “9X”, anh thường xuyên gần gũi với đoàn viên, thanh niên trong thôn để nắm bắt tâm tư. Từ đó, vận động đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình, không bỏ địa phương đi làm ăn xa. Anh bảo: “Mình phấn đấu mãi trở thành người tốt để chi bộ kết nạp mình vào Đảng. Nên mình cũng muốn thanh niên trong thôn trở thành người tốt được chi bộ kết nạp. Có nhiều đảng viên trẻ thì chi bộ mình càng mạnh để lãnh đạo bà con, vận động bà con tin vào Đảng và làm theo pháp luật”.

Việc gì có lợi cho nhân dân thì hết sức làm

Vì đường giao thông lên Phiêng Ten rất khó khăn, tỷ lệ người già không biết chữ nhiều nên những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở Phiêng Ten rất cao. Kinh tế của thôn chưa xác định được thế mạnh. Nhận thấy đất đồi dốc là thế mạnh trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là trâu nuôi nhốt nên sau khi làm bí thư chi bộ, Lầu Văn Sông đã đi học tập nhiều nơi về kỹ thuật nuôi trâu nhốt chuồng. Trước đây gia đình anh cũng chỉ nuôi từ 2 đến 3 con trâu, chủ yếu là thả trên đồi. Nhưng sau khi đi học tập, anh đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư lên tới 7 con trâu nuôi nhốt. Đến nay, đàn trâu nuôi nhốt đã lên tới 10 con. Anh bảo: “Ban đầu mình chưa làm mà đem ra cuộc họp thôn, nhiều người bảo không biết có nên không. Thấy bà con còn chưa tin lắm nên mình quyết định làm trước. Nuôi trâu, bò nhốt chuồng vừa cho giá trị kinh tế cao lại vừa giữ gìn vệ sinh nông thôn do hạn chế được việc thả rông gia súc”.

Mô hình của anh Lầu Văn Sông dần dần cho thu nhập khá nên anh đã vận động bà con trong thôn làm theo. Đến nay, nhiều hộ trong thôn đã không còn thả rông gia súc mà thực hiện nuôi nhốt, mở rộng diện tích trồng cỏ. Đàn trâu của thôn cách đây hai năm trước chỉ có khoảng trên 60 con nay đã tăng lên 104 con. Nhiều hộ nghèo trong thôn nhờ đầu tư nuôi trâu sinh sản nay đã thoát nghèo.

Bí thư chi bộ Lầu Văn Sông vận động gia đình có con trong độ tuổi đến lớp đi học.

Bí thư chi bộ Lầu Văn Sông vận động gia đình có con trong độ tuổi đến lớp đi học.

Điển hình như hộ ông Dương Văn Thành, trước đây chỉ thả rông gia súc nhưng mấy năm nay, ông Thành đã đầu tư nuôi nhốt. Nhà ông hiện nay có 4 con trâu, bình quân mỗi năm, ông thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng từ nuôi trâu theo phương pháp nuôi nhốt. Năm 2018, gia đình ông thoát nghèo. Không những vận động người dân nuôi trâu trâu sinh sản theo phương pháp nuôi nhốt, chi bộ còn phân công cho các đảng viên giúp đỡ hộ nghèo trong thôn thoát nghèo nhờ nuôi trâu.

Năm 2018, gia đình ông Dương Văn Sì được chi bộ giúp đỡ thoát nghèo. Sau khi được nguồn vốn 135 hỗ trợ trâu giống để nuôi, ông Sì đã được các đảng viên trong chi bộ vận động nuôi trâu theo phương pháp nuôi nhốt. Ông Sì áp dụng và đến nay, trâu theo dự án hỗ trợ đã sinh sản lên tới 3 con. Ông tiếp tục đầu tư mua thêm trâu giống. Đến nay, đàn trâu đã lên tới 4 con. Ông Sì cho biết: “Bà con mình nghe theo lời Lầu Văn Sông mà nuôi trâu sinh sản đời sống đã bớt khó khăn hơn, gia đình mình mới thoát nghèo được”.

Không chỉ vận động nhân dân thoát nghèo, phát triển kinh tế từ nuôi trâu sinh sản, anh Lầu Văn Sông đã cùng các đảng viên khác trong chi bộ vận động trẻ không bỏ học. Anh đến từng hộ dân trong thôn để vận động. Cùng với đó anh phân công cho các đảng viên rà soát các hộ có con trong độ tuổi đến trường để đến tận nhà vận động gia đình cho trẻ đến trường. Vì vậy, Phiêng Ten không có trẻ bỏ học. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp năm học nào cũng đạt 100%.

Con đường chúng tôi lên với Phiêng Ten rồi cùng Lầu Văn Sông đi bộ tới từng nhà dân quả thực khá vất vả. Chàng bí thư chi bộ trẻ người Mông vừa phăm phăm bước đi vừa nói với tôi trăn trở làm sao để có con đường tốt hơn cho bà con trong bản đi. Lầu văn Sông bảo: “Làm sao để làm được con đường này luôn khiến em đau đầu từ khi làm bí thư chi bộ đến giờ. Vì vận chuyển vật liệu rất khó mà số tiền huy động thì quá lớn. Hiện tại, thôn mới vận động nhân dân làm được vài trăm mét thôi. Còn lại em vẫn đang nghĩ cách… Có con đường bê tông lên thôn thì đời sống người Mông ở đây mới đổi thay được”.

Hy vọng với sức trẻ, những trăn trở của Bí thư chi bộ trẻ người Mông Lầu Văn Sông sẽ trở thành hiện thực, cùng với các đảng viên nơi đây lãnh đạo mang lại đời sống ngày càng đổi thay ở Phiêng Ten.

Phóng sự : Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/bi-thu-chi-bo-mieng-noi-loi-hay-tay-lam-viec-tot-122408.html