Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Lâm Nguyễn Việt Hà: Phát triển xã Gia Lâm dựa trên 3 trụ cột

Trong hai ngày 28 – 29/7/2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Gia Lâm lần thứ nhất được tổ chức. Đây là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của xã Gia Lâm khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Việt Hà – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Lâm xung quanh vấn đề này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao quyết định về công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Gia Lâm, ngày 30/6/2025.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao quyết định về công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Gia Lâm, ngày 30/6/2025.

Thưa ông, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, xã Gia Lâm có vị trí, quy mô, tiềm năng, thế mạnh gì?

- Theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Gia Lâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Dương Xá, phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Trâu Quỳ, các xã Cổ Bi, Kiêu Kỵ; một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Phú Sơn, Đa Tốn, Bát Tràng (huyện Gia Lâm cũ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Thạch Bàn (quận Long Biên cũ). Sau sắp xếp, xã Gia Lâm có diện tích 25,75km2, dân số 90.498 người.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Lâm Nguyễn Việt Hà.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Lâm Nguyễn Việt Hà.

Nằm ở khu vực phía Đông của Thủ đô, xã Gia Lâm có vị trí thuận lợi về giao thông với nhiều tuyến đường quan trọng như: Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt đô thị số 8 và các tuyến đường hướng tâm như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy. Điều này giúp Gia Lâm kết nối dễ dàng với các khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, là xã trung tâmcủa huyện Gia Lâm trước đây, xã Gia Lâm có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi giao thoa văn hóa giữa vùng Thăng Long và Kinh Bắc xưa. Hạ tầng kỹ thuật, xã hội trên địa bàn có tính đô thị cao, mật độ dân cư lớn; đa dạng về các loại hình kinh tế, các hoạt động xã hội. Đây là những điều kiện thuận lợi để Gia Lâm phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhưng cũng là thách thức lớn trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trên nền những giá trị đã có và đã được tạo dựng, nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đảng bộ xã Gia Lâm xác định mục tiêu phát triển như thế nào, thưa ông?

- Quán triệt chỉ đạo của Trung ương và thành phố về kỷ nguyên mới, Đảng bộ xã Gia Lâm xác định mục tiêu chung trong nhiệm kỳ 2025 – 2030 là: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát triển xã Gia Lâm dựa trên 3 trụ cột: Một là, văn hóa và con người, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống theo hướng văn minh đô thị. Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ba là, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xây dựng đô thị “Sáng – xanh – sạch – đẹp” theo định hướng trở thành phường “Văn minh - Hiện đại”.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, Đảng bộ xã Gia Lâm cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào, thưa ông?

-Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Đảng bộ xã Gia Lâm đã đề ra 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 khâu đột phá và 02 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó, 05 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị xã Gia Lâm thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện. Xây dựng tổ chức, bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân; đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của kỷ nguyên mới.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống theo hướng văn minh đô thị. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xây dựng đô thị “Sáng - xanh - sạch - đẹp” theo định hướng trở thành phường văn minh, hiện đại.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên trao quyết định về công tác cán bộ tại xã Gia Lâm.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên trao quyết định về công tác cán bộ tại xã Gia Lâm.

3 khâu đột phá, gồm: Thứ nhất, tinh gọn và nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã Gia Lâm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới. Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Gia Lâm. Thứ ba, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, kết nối gắn với mục tiêu phát triển xã Gia Lâm thành phường “Văn minh - Hiện đại”.

Đảng bộ xã cũng xác định 2 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện là: xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở ra một trang mới cho bất kỳ địa phương, đơn vị nào. Với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ xã Gia Lâm, ông mong muốn điều gì ở bộ máy chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức?

- Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất của xã Gia Lâm không chỉ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương, mà còn là thời điểm khởi đầu cho một chặng đường mới với nhiều kỳ vọng và trọng trách. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, tôi mong muốn bộ máy chính quyền địa phương sẽ thực sự tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động thống nhất, nhịp nhàng dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, tôi kỳ vọng mỗi người sẽ không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm và phong cách gần dân, sát dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ cơ sở. Cán bộ phải là người tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích của tập thể, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

Tôi cũng mong muốn toàn hệ thống chính trị của xã sẽ phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới sáng tạo, tập trung giải quyết dứt điểm những khâu yếu, việc khó; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để đưa Gia Lâm phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đảng bộ xã Gia Lâm hiện có 85 tổ chức đảng trực thuộc với 3.506 đảng viên. Theo Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Gia Lâm nhiệm kỳ 2025-2030: đồng chí Nguyễn Việt Hà giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Phùng Thị Hoài Hương giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; đồng chí Dương Viết Cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; đồng chí Nguyễn Văn Hợi giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.

Hoàng Quyết (thực hiện)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bi-thu-dang-uy-chu-tich-hdnd-xa-gia-lam-nguyen-viet-ha-phat-trien-xa-gia-lam-dua-tren-3-tru-cot.787395.html