Bí thư đoàn bị kết án 3 năm tù oan: Thẩm phán phải chịu toàn bộ phí bồi thường?
Theo luật sư, khi Nhà nước bồi thường xong, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.
Những ngày qua, câu chuyện về anh Bùi Minh Lý (32 tuổi, ngụ ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - chàng trai bị TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) kết án 3 năm tù oan đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Trước khi bị bắt, anh Bùi Minh Lý từng là Bí thư chi đoàn ấp Trung với nhiều bằng khen về công tác. Lúc đó, anh Lý cũng là một đảng viên dự bị, sắp được chuyển đảng chính thức.
Nhiều người thắc mắc, tại sao dù không đủ chứng cứ xác định phạm tội nhưng TAND quận Bình Thạnh vẫn "thẳng tay" kết tội anh Lý cướp giật tài sản và xử phạt 3 năm tù giam. "Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại", vậy ai sẽ chịu trách nhiệm với bản án đã hủy hoại cả tuổi trẻ của anh Bùi Minh Lý?
Sáng 10/3, trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc kết án sai làm mất hết cơ hội chính trị, cơ hội cuộc sống cho bản thân người bị kết án oan và cho cả gia đình họ.
Đối với trường hợp của anh Bùi Minh Lý, việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng là công khai xin lỗi anh Lý theo quy định của pháp luật. Sau đó, rà soát lại toàn bộ vụ việc và nhanh chóng bồi thường cho anh Lý theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về trách nhiệm bồi thường, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng đã quy định rõ trong Điều 60 và Điều 64.
Theo đó, đối với kinh phí bồi thường, Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm tiền chi trả cho người bị thiệt hại và chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách Trung ương. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.
Người thi hành công vụ có lỗi (Thẩm phán, điều tra viên…) có nghĩa vụ hoàn trả số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.
Luật sư Bùi Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM
Như vậy, khi có yêu cầu bồi thường có cơ sở, Nhà nước phải bố trí kinh phí để bồi thường cho người có yêu cầu. Tuy nhiên, khi Nhà nước bồi thường xong thì người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại (Thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên…) phải có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách một phần hoặc toàn bộ số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân theo quy định tại Điều 64.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, đối với các vụ bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, các khoản bồi thường có thể gồm: Thiệt hại về tài sản do bị xâm phạm, thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại về vật chất do người thiệt hại bị mất, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại, thiệt hại về tinh thần, chi phí khiếu nại...
Người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường và chứng minh những thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
"Trên thực tế, giá trị yêu cầu bồi thường của người bị oan sai là rất lớn vì thời gian nhiều và đôi khi những thiệt hại mang tính vô hình khó có thể cân đo đong đếm được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác thực hiện bồi thường thiệt hại của Nhà nước bị kéo dài do quá trình thương lượng, các bên khó tìm được điểm chung để thống nhất giải quyết", luật sư Trần Minh Cường cho hay.
Chia sẻ với VTC News, anh Bùi Minh Lý cho biết, điều hiện tại anh mong muốn nhất là nhận được lời công khai xin lỗi của TAND quận Bình Thạnh tại nơi anh cư trú là ấp Trung (xã Đông Thạnh). Còn việc bồi thường, anh đã nhờ luật sư nghiên cứu với mức hợp lý để không quá làm khó ai.
"Giờ tôi chỉ cần TAND quận Bình Thạnh về đây (ấp Trung, xã Đông Thạnh) công khai xin lỗi tôi. Tôi sống ở đây, dân làng biết tôi, tôi mang oan họ dị nghị, vì vậy tôi cần được rửa oan tại đây. TAND quận Bình Thạnh nói sẽ công khai xin lỗi ở Bình Thạnh, tôi không chấp nhận, vì ở đó có ai biết tôi là ai đâu", anh Lý nói.
Tối 19/1/2014, vợ chồng chị N.T.T. đãi tiệc tất niên ở Phường 25 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bàn tiệc đặt ở hai bên đường hẻm. Khi chị T. bưng thức ăn ra thì bị một thanh niên chạy xe máy giật sợi dây chuyền rồi phóng ga tẩu thoát. Sau đó, chồng chị T. và một người trong đám tiệc lấy xe máy đuổi theo. Đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khi thấy anh Lý đang chạy xe thì hai người này áp sát, xông vào đánh, khống chế anh Lý và mời công an đến làm việc.
Tháng 7/2015, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm, tuyên phạt anh Lý 3 năm tù về tội cướp giật tài sản. Trong hơn 28 tháng bị tạm giam, anh Lý bị đưa ra tòa 5 lần, 3 phiên sơ thẩm và 2 phiên phúc thẩm. Ngay từ đầu khi bị bắt tạm giam, anh Lý đã kêu oan.
Tháng 9/2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau nhiều lần trả hồ sơ, ngày 31/7/2018 cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra với anh Lý do đã hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ xác định anh phạm tội.
Sau khi xác định anh Lý bị oan, đại diện các cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh liên lạc anh Lý đề nghị được tổ chức xin lỗi anh tại TAND quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, anh Lý không đồng ý mà yêu cầu phải xin lỗi anh tại địa phương nơi anh sinh sống.