Bí thư Hà Nội: Giữa Thủ đô và TP.HCM có những khó khăn tương đồng

Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, trong quá trình phát triển, 2 đô thị lớn nhất cả nước có nhiều điểm tương đồng, nhất là các khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ.

Sáng 18/10, đoàn công tác nhóm 6 của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương do ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu làm việc với TP.HCM về "một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam".

Đồng chủ trì hội nghị còn có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM cho biết, sau 40 năm đổi mới, đất nước có những thành tựu nhất định.

Ông Phát dẫn dự báo của Liên Hợp Quốc, đến 2025, Việt Nam có khoảng 42 triệu dân sống ở thành thị, chiếm khoảng 41% và đến năm 2035 sẽ là 45%...

Ông Nguyễn Tấn Phát nêu ý kiến tại hội nghị

Ông Nguyễn Tấn Phát nêu ý kiến tại hội nghị

Theo ông Phát, câu chuyện đặt ra về chính quyền đô thị không chỉ là ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…mà là mô hình thể chế quản trị công Quốc gia.

“Để đất nước chúng ta cất cánh được, thì vấn đề quản trị đô thị, thể chế chính quyền đô thị là vấn đề trọng tâm”, ông Phát nêu ý kiến.

Theo ông, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…đang được vận hành theo cơ chế xin thêm (thường hay nói là đặc thù), chứ luật chưa có, ngay cả Luật Đô thị cũng chưa có.

“Tôi cũng không hiểu sao, Luật quy hoạch đô thị thì có mà Luật Đô thị chưa có? Vận hành một thể chế của chính quyền đô thị mà chúng ta chưa có tổng kết việc thực hiện chính sách, không tham mưu về lý luận để cơ quan cấp trên quyết là thiếu sót”, ông Phát nêu quan điểm.

Qua đó, ông cho rằng, phải nhanh chóng đặt ra thể chế để vận hành đô thị, vì đây là xu hướng tất yếu.

Hai đô thị lớn có những vướng mắc tương đồng

Tại buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, qua 40 năm đổi mới, TP.HCM đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đô thị lớn nhất cả nước luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Đặc biệt, địa phương luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn của TP.HCM.

Cụ thể, việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào nền kinh tế cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của TP.HCM đã giảm so với giai đoạn trước.

Mặt khác, việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của TP.HCM chưa có bước đột phá, chưa phát triển đồng bộ, hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển.

"Hà Nội cũng giống như TP.HCM, một số tuyến đường sắt làm cả chục năm chưa xong. Để đưa những tuyến đường sắt vừa qua vào vận hành, Hà Nội đã phải rất quyết tâm", Bí thư Hà Nội chia sẻ.

Một điểm tương đồng khác giữa Hà Nội và TPHCM là việc đáp ứng trường học đủ nhu cầu người dân. Thủ đô đang có khoảng 2,3 triệu học sinh, tăng thêm khoảng 45.000 học sinh mỗi năm. "Nhu cầu về trường học tập trung ở vùng lõi, mở rộng, xây mới trường khó khăn vô cùng. Càng làm tốt, thì nhu cầu về trường học lại càng hút về vùng lõi", Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang tìm kiếm giải pháp cho những bãi đỗ xe trong đô thị. Giải pháp được đưa ra là quy hoạch lại các bãi xe, kêu gọi đầu tư các bãi để xe 3-5 tầng. "Rất nhiều vấn đề mà 2 đô thị rất giống nhau, tương đồng, đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn", Bí thư Hà Nội bày tỏ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu vấn đề về phát triển văn hóa của Thủ đô. Theo ông, thời gian qua, các sản phẩm mới về văn hóa, nghệ thuật có phần hạn chế, ít tác phẩm lay động lòng người như thời gian trước đây.

"Khi nhận diện ra vấn đề, Hà Nội đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Không chỉ phát triển văn hóa, mà còn hướng tới hội nhập văn hóa", ông Đinh Tiến Dũng cho hay.

Qua đó, ông cho rằng, việc phát triển văn hóa, xã hội cần hài hòa và được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế. Hiện tại, Thủ đô có 5.922 di tích lịch sử trên địa bàn, đây chính là động lực để phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, Thủ đô cần gìn giữ hơn 1.300 làng nghề, làng có nghề trên địa bàn trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

Theo ông, việc đô thị hóa là điều đương nhiên đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, cả 2 địa phương cần phải phát huy những tinh hoa, cải tạo và ngăn chặn những tiêu cực, mặt trái của xã hội.

Nói về phân cấp, phân quyền, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho hay, cũng như TP.HCM, Hà Nội đang làm rất quyết liệt.

Ông ví dụ, bây giờ Hà Nội phân cấp về cho quận, huyện xây trường học thì rất nhanh. Ngày xưa, khi xây trường cấp 3, phải xin ý kiến lên thành phố, có trường hợp hỏi 2 năm không trả lời, chủ yếu là lòng vòng ở sở, ngành, nên bị vướng...

Qua sự so sánh những điểm tương đồng giữa hai thành phố, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nếu cả hai thành phố làm tốt, phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, gỡ vướng tốt… thì GDP đạt cỡ 30-35% cả nước, thu ngân sách chừng 40-45% cả nước.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-dinh-tien-dung-chi-ra-nhung-kho-khan-tuong-dong-giua-ha-noi-va-tp-hcm-2203738.html