Bí thư Hà Nội: Hoàn toàn có quyền thay thế nước sông Đà nếu không đảm bảo
Bên lề QH chiều nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao đổi với báo chí về vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Theo ông Hoàng Trung Hải, cần làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan. Doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ, trách nhiệm vòng ngoài là công an.
“Y hệt như hồ thủy điện đã có quy định từ xưa đến nay. Bản thân hồ thủy điện thì chủ đầu tư nào làm phải bảo vệ về an ninh, sạt lở, chăn nuôi, ô nhiễm...”, ông Hải nói.
Ông cho hay, ta thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn. Vì vậy, sau vụ này phải quan tâm hơn.
Bí thư Hà Nội cho rằng, thực tế nước hồ đó không phải sạch bong cứ thế đưa về dùng, cái chính phải xem toàn bộ hệ thống quan trắc rất thiếu. Cho nên, bất cứ ở đâu, kể cả có an ninh bảo vệ hết rồi vẫn có thể xảy ra mất an ninh, an toàn.
Phải chia trách nhiệm từng công đoạn một. Như đối với doanh nghiệp, trong một nhà máy, từng phân xưởng lại chia ra, nhận nước đầu nguồn thế nào, xử lý thế nào...
“Không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng như ông Tốn (ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco - PV) nói là tôi không biết nên dừng hay không. Cái đó nhất định phải chấn chỉnh”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Hải cho rằng, qua một vụ người dân cũng quan tâm hơn, rằng có để xảy ra lần sau không hay xin lỗi lần nữa. Đó là việc TP, các sở ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, sau đó ra các quy định.
“Chúng ta phải rà soát lại để không xảy ra nữa, bởi TP 10 triệu dân, đó là điều rất đáng tiếc. TP phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục, không xảy ra”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phải làm quyết liệt vì có thể xảy ra bất cứ ngày nào
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin, TP đã có quy định về tất cả các loại thảm họa. Ta nhìn thấy vấn đề rồi nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra.
“Vừa rồi có nhiều chuyện, cả ô nhiễm không khí, nguồn nước, đấy là những thứ tiếp tục phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn, vì những thứ đó có thể xảy ra bất cứ ngày nào”, ông Hải nói.
Trước việc dư luận cho rằng TP phản ứng chậm khi xảy ra sự việc, Bí thư Hoàng Trung Hải cho hay, Thủ tướng cũng đã nói, TP sẽ rút kinh nghiệm việc này.
Theo ông, trong bất cứ việc gì, thường kinh nghiệm xảy ra bao giờ cũng hổng chỗ phối hợp, cứ "ông chẳng bà chuộc, ông trước bà sau"...
Vì vậy, phải quy phạm hóa, quy trình hóa tất cả quá trình xử lý, nếu không sẽ rối, không biết ai nói, không biết số của ai là đáng tin.
“Việc đó tôi họp ở TP cũng đã nói phải rút kinh nghiệm, đánh giá và sẽ có quy định”, lãnh đạo Thành ủy nói.
Trước câu hỏi nếu nước sông Đà không đảm bảo và không kịp thời xử lý thì TP có tính đến việc cắt không sử dụng, ông Hoàng Trung Hải nói: “Cắt thì lúc nào mình cũng có quyền cắt. Hoàn toàn có quyền thay thế và có quyền bắt họ phải thực hiện đúng, chứ không phải tôi thích thì tôi làm”.
Ông Hải dẫn ví dụ: “Tưởng tượng ông cấp điện, hôm sau ông dỗi, ông cắt điện, em đi nghỉ mát. Không được. Anh cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải thực hiện”.
Cũng theo Bí thư Hà Nội, thực tế ngành nước cũng mới, non trẻ, sẽ phải dần dần khắc phục để tốt hơn.