Bí thư Hà Nội: 'Sẽ bảo vệ quan điểm giữ nguyên quận Hoàn Kiếm'
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ tìm cách giữ nguyên quận Hoàn Kiếm khi thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù
Tại hội nghị đối thoại với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp TP Hà Nội vào sáng nay (9/8), ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đã hỏi về việc thành phố thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính; đặc biệt là chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm.
Trả lời, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ xây dựng đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính với các phương án cụ thể, căn cứ vào 3 tiêu chí, ngoài tiêu chí diện tích, dân số thì tiêu chí quan trọng nhất đã được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là văn hóa, lịch sử.
Hôm 7/8, Thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
"Tinh thần của là Hà Nội thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, nhưng đây cũng là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị", ông Dũng nói.
Theo bí thư Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có từ thời vua Lý Thái Tổ, có những yếu tố văn hóa, lịch sử rất đặc thù, nên tinh thần chỉ đạo của thành phố là sẽ bảo vệ quan điểm giữ ổn định nhưng các minh chứng phải được đưa vào đầy đủ để thuyết minh, thuyết phục.
Còn với các xã, phường - nơi nào có yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù thì cũng phải thuyết minh, thuyết phục; còn lại phải thực hiện theo đúng quy định.
"Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận", Bí thư Hà Nội nói.
Nỗ lực để dự án đường Vành đai 4 đúng tiến độ
Với câu hỏi của ông Bạch Thành Định, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác Tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội liên quan đến tình hình triển khai, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là dự án đầu tư quan trọng quốc gia. Quốc hội, Chính phủ tin tưởng giao cho TP Hà Nội là cơ quan triển khai dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự án đã khởi công ngày 25/6/2023 và đến nay, đang được thực hiện rất khẩn trương với sự vào cuộc của các cấp, các ngành thành phố.
"Với trách nhiệm và vinh dự, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng yêu cầu đặt ra', Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất, Bí thư Thành ủy cho biết, trong quá trình triển khai, thành phố đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng…
Đối với việc hoàn thành các đường Vành đai 1, 2 và 3 để tạo sự đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông của thành phố, ông Dũng cho biết, Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Các quy hoạch này nhằm từng bước khép kín các tuyến đường vành đai theo quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội.
Trước mắt, Hà Nội sẽ quyết tâm hoàn thành các đoạn đường còn lại để khép kín các đường Vành đai 1, 2, 3. Từ đó đồng bộ với đường Vành đai 4, tạo ra sự phát triển bền vững trong hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa các tỉnh thành và nâng cao đời sống người dân trong khu vực.