Bí thư Hà Nội: TP đã phân công nhiệm vụ làm Vành đai 4
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đã họp bàn và phân công nhiệm vụ chi tiết đến từng đơn vị để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 7, HĐND TP Hà Nội sáng nay 5-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thông tin về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô của TP Hà Nội.
Ông cho hay, dự án vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 3 với tỷ lệ thống nhất rất cao (95,18%). Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường.
Đồng thời tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng không những đối với Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà còn thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
“TP đã họp bàn về kế hoạch triển khai dự án, Thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…” - Bí thư Hà Nội thông tin.
Ông cũng điểm lại một số kết quả về phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 và những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế, chính trị của thế giới. Ông cho hay, đến nay TP đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đã trở lại trạng thái bình thường mới trong nhiều tháng trở lại đây.
“Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP Quý II tăng 9,49% (cả nước tăng 7,72%), cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%), tính chung 6 tháng đầu năm GRDP tăng 7,79% (cả nước tăng 6,42%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%)” - ông nói.
Tuy nhiên, Bí thư Hà Nội cũng cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%); CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; Cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm…
Bên cạnh đó TP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như: ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại cụm công nghiệp, làng nghề chậm tiến độ.
Tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập; Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…
Theo đó, ông đề nghị các đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để khắc phục các hạn chế trên, cũng như hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của 6 tháng còn lại và cả năm 2022
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết kỳ họp sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 16 báo cáo, 1 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: cho ý kiến về định hướng, quan điểm đối với dự thảo Đề án Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn TP; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất; chương trình phát triển nhà ở TP; quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực xây dựng khu vực nội thành; thông qua danh mục các cơ sở nhà, đất di dời do không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP...
Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-thu-ha-noi-tp-da-phan-cong-nhiem-vu-lam-vanh-dai-4-post687582.html