Bí thư Hà Nội yêu cầu tạm dừng phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) đồng thời kiểm tra quy trình và thủ tục.
Liên quan đến vụ việc tòa nhà Pháp cổ tại khu đất rộng 9.000m2 tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) đang gấp rút bị phá dỡ để chuẩn xây dựng cao ốc 11 tầng và 6 tầng hầm, ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo đối với công trình xây dựng tại khu đất số 61 (lô G1) phố Trần Phú (quận Ba Đình).
Nơi đây có các công trình cao 2 tầng mang kiến trúc Pháp cổ được xây dựng vào giai đoạn đầu thế kỷ 20; các công trình này là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef).
Về vấn đề này, Bí thư Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình).
Đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4.
Đặc biệt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú. Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4.
Dự án tại số 61 Trần Phú rộng hơn 9.000m2, là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef - mã chứng khoán POT). Nơi đây vốn là công trình mang kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi, còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội. Vị trí của tòa nhà nằm ngay gần Quảng trường Ba Đình.
Ban đầu, Postef dự định xây dựng khu đất này thành Trung tâm Công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó Postef quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef.
Theo quyết định của UBND Tp.Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, tổng diện tích hơn 43.000m2, cao gần 43m. Tổng vốn đầu tư hơn 1.570 tỷ đồng.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, dãy nhà Pháp cổ này không nằm trong danh mục công trình "cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa"…
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
"Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình", Sở này khẳng định.