Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Làm việc 9 tiếng/ngày thì không thể có hạnh phúc
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nếu tăng giờ làm, để người lao động làm 9 giờ/ngày thì các gia đình không thể có hạnh phúc.
Chiều 23/10, tiếp nối phiên thảo luận về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu tiếp tục đưa ra ý kiến đóng góp về vấn vấn đề giờ làm việc bình thường của người lao động.
Phát biểu mở màn phiên thảo luận chiều, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trên thế giới hiện còn rất ít nước có chế độ làm việc quá 40 giờ/tuần.
Hầu hết các nước đều ở mức dưới 40 giờ/tuần như Chile 37 giờ, Pháp 38,5 giờ, đặc biệt Đức chỉ còn 26 giờ/tuần nhưng quốc gia này lại là một trong những nước có năng suất lao động cao nhất thế giới.
Từ dẫn chứng này, ông Nhân cho rằng Việt Nam nên có lộ trình để chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ/tuần trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ. Tuy nhiên, dù làm được điều này, chúng ta cũng chậm so với thế giới 80 năm.
Liên quan đến vấn đề làm thêm giờ, vị đại biểu đoàn TP.HCM phân tích, sẽ có những lợi ích nhãn tiền về mặt ngắn hạn. Chủ sử dụng lao động có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập nhưng hậu quả trước mắt là sức khỏe giảm sút trong khi năng suất không hề tăng.
Bàn về vấn đề "hạnh phúc", ông Nhân dẫn thông tin trong cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam cho biết:
"Về mặt kinh tế, mong muốn của mọi người là có thu nhập, có việc làm và có nhà. Về gia đình, 95,4% mong muốn có gia đình hòa thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khỏe tốt. Nhưng cứ làm việc 9-10 tiếng một ngày thì không có gia đình hạnh phúc đâu", ông Nhân nói.
Bài liên quan
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn lời: Tăng giờ làm thêm thì nhân văn ở đâu?
Cũng theo vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhiều người nói tự nguyện làm thêm giờ nhưng thực tế không phải vậy.
"Một dây chuyền may mà nửa số công nhân không thể may nổi một cái áo. Một dây chuyền giày, một nửa nghỉ không muốn làm thêm giờ thì cũng chẳng thế làm ra nổi đôi giày. Sẽ có một cuộc đấu tranh trong công nhân gây sức ép làm hay không làm, nên nói tự nguyện chỉ là một phần", ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, tăng năng suất thì phải đổi mới công nghệ, thiết bị và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải ngược lại.
"Nếu làm thêm 300 giờ/năm, một năm có 52 tuần, trừ những ngày nghỉ lễ thì còn 50 tuần, mỗi tuần làm thêm 6h, mỗi ngày làm thêm 1h, làm cả năm. 300 giờ/năm, 9 tiếng/ngày mà làm cả năm thì người lao động có khỏe được không?", vị đại biểu TP.HCM đặt câu hỏi.
Sáng nay, khi trình bày về báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đối với vấn đề thời gian làm việc bình thường, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.
Một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin rằng việc giảm thời giờ làm việc bình thường là một vấn đề được sự quan tâm rất lớn của xã hội và tác động đối với tất cả các chủ thể liên quan, nhưng cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện.
Mặt khác, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động. Do đó, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế.