Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Tránh lãng phí khi đầu tư vào lĩnh vực giao thông
Bí thư Thành ủy TP. Cẩn Thơ đã có buổi làm việc với các sở ban ngành liên quan về việc triển khai thực hiện 8 dự án giao thông trọng điểm.
Ông Lê Tiến Dũng Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2021-2025 vốn phân bổ cho ngành giao thông là 9.470 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ trên 30%.
Chiều 23/3, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP. Cẩn Thơ đã có buổi làm việc với ngành giao thông TP Cần Thơ cùng các sở ban có liên quan về việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn với nội dung thực hiện chủ đề năm 2021 về “Huy động mọi nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội”.
Tăng 30% vốn cho giao thông
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, ngành giao thông được phân bổ hơn 27.500 tỷ đồng. Trong đó, gần 7.900 tỷ đồng từ Ngân sách Trung ương, còn lại là ngân sách địa phương.
Còn trong giai đoạn 2021 - 2025, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến phân bổ vốn cho lĩnh vực giao thông vận tải là 9.470 tỷ đồng, tăng hơn 30%.
Trên cơ sở đó, Sở đề xuất danh mục 18 dự án thuộc lĩnh vực ngành GTVT, đã được HĐND đã phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án giao thông vận tải tại Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, nhóm B và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B với tổng mức đầu tư là gần 7.500 tỷ đồng.
Trong đó, Dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ, Đường tỉnh 923, Cầu Cờ Đỏ, Cầu Tây Đô, Đường Tỉnh 918 giai đoạn 2, Đường Tỉnh 921, dự kiến trong tháng 4/2021 trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; Đường tỉnh 917, Cầu Kênh Ngang dự kiến trong tháng 3/2021, Ban Quản lý đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (đơn vị Chủ đầu tư) trình Sở quản lý chuyên ngành thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi…
Ngoài ra, Giám đốc sở GTVT còn cho biết thêm, đơn vị này cũng đã lập báo cáo đề xuất chủ trương 2 dự án (nằm ngoài danh mục 18 dự án) gồm dự án cải tạo 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn TP. với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng và dự án Đầu tư xây dựng đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, Cần Thơ gần 1.200 tỷ đồng, còn lại là tỉnh Kiên Giang.
“Sở GTVT đề xuất, kiến nghị, trong giai đoạn 2021-2025 tăng tỷ lệ phân bổ vốn cho lĩnh vực GTVT lên khoảng 35% là khoảng 1.500 tỷ. UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, lập phương án khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến đường mở mới để đấu giá tạo vốn đầu tư cho các dự án đang thực hiện.
UBND các quận, huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất TP thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho công tác khởi công mới và đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm đúng tiến độ”, Giám đốc Sở GTVT kiến nghị.
Sau khi nghe báo cáo từ các sở ngành có liên quan, ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ cho rằng các đơn vị đã thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong hành động, chưa có sự thống nhất trong thể chế hóa Nghị quyết được đưa ra.
Từ đó, Phó Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ đề nghị, trên cơ sở các Nghị quyết đã được ban hành, Sở GTVT, các ngành liên quan trình UBND TP tham mưu HĐND ban hành Nghị quyết phù hợp cơ chế đặc thù trong việc huy động, phân bổ cho TP. Cần Thơ; Rà soát điều chỉnh bổ sung hợp lý một số quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm tạo nguồn lực cho sự phát triển của TP; Tính toán việc thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tránh kéo dài gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân…
Tránh lãnh phí khi đầu tư
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ, với vị trí là trung tâm khu khu vực ĐBSCL thế nhưng Cần Thơ chưa phát huy hết vai trò trung tâm. Hạ tầng giao thông thiếu tính kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực.
Xác định giao thông không chỉ để phục vụ cho nhu cầu đi lại, mà còn là ngành đi đầu, mở đường cho sự phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy đề nghị các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành giao thông phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông kết nối thống suốt để mở rộng không gian phát triển và chỉnh trang đô thị TP. Cần Thơ. Tuy nhiên, quá trình đầu tư cần phải xem xét, nghiên cứu, tránh lãng phí gây thất thoát trong đầu tư cơ bản.
Bí thư Thành ủy đánh giá, 8 dự án nói trên có vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển của địa phương, kết nối các trung tâm công nghiệp, đem lại nguồn thu ngân sách cho nhà nước là rất lớn. Do đó, ông đề nghị UBND TP. Cần Thơ quan tâm chỉ đạo, các chủ đầu tư mà đặc biệt là Sở GTVT chủ động phối hợp tốt với các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Chậm nhất đến tháng 8, các dự án phải được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Nếu kỳ họp HĐND để thông qua kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2026, mà các dự án đầu tư, các báo cáo khả thi, các chuẩn bị đầu tư của các Chủ đầu tư không xong được, không trình HĐND để phê duyệt thì chúng ta sẽ mất hết 1 năm nữa”, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất cải tạo 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bí thư Thành ủy Cần Thơ lưu ý các đơn vị cần nghiên cứu, học tập từ các địa phương, xem xét, tính toán lại phương án làm cầu vượt.
Trong lúc tập trung nghiên cứu dài hạn các phương án thì nghiên cứu định tuyến, quy định khung giờ cấm đường đối với loại hình phương tiện có tải trọng lớn đi vào trung tâm TP, ưu tiên các tuyến đường nội thị phục vụ nhu cầu đi lại, học tập, của người dân, học sinh.