Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra thực địa GPMB đường Vành đai 4
Sáng 16/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đã đi kiểm tra thực địa công tác GPMB tại 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức.
Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn.
Phấn đấu đến tháng 6/2023 bàn giao 70% diện tích
Theo báo cáo của huyện Đang Phượng, Đan Phượng là một trong 6 huyện của TP có dự án đi qua với chiều dài toàn tuyến 6,3km. Tổng diện tích đất phải GPMB khoảng 74,8ha với 1.789 hộ gia đình. Đến nay, huyện đã được thu hồi 19,08/74,8ha với số tiền 218,1 tỷ đồng (đạt 25,5% diện tích GPMB).
Hiện nay, huyện đang tập trung triển khai 4 dự án chỉnh trang mở rộng nghĩa trang Nhân dân để quy tập các mộ liên quan đến dự án. Tính đến nay, huyện đã di chuyển 440/1.678 mộ (đạt tỷ lệ 26,22%). Huyện phấn đấu đến tháng 6/2023 bàn giao 70% và đến hết tháng 12/2023 bàn giao 100% diện tích đất phục vụ dự án theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.
Trao đổi với Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo TP, một người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình ông có mộ chôn cất từ năm 2010 đã sang cát và nay nằm trong khu vực giải tỏa thực hiện đường Vành đai 4. Đến 16/2 âm lịch tới đây gia đình sẽ di dời mộ tới khu mới. Bản thân gia đình thấy đây là chủ trương đúng và phục vụ lợi ích của quốc gia, TP nên sẵn sàng chấp hành tốt chủ trương, chính sách đường lối của Đảng để qua đó góp phần vào sự phát triển chung.
Tại huyện Hoài Đức, Sở TN&MT đã bàn giao xong 769 mốc với diện tích 239,63ha của 12 xã. Đối với đất nông nghiệp, đến nay huyện đã kê khai, kiểm đếm 101,8ha của 3.564 hộ đất nông nghiệp; niêm yết dự thảo phương án 81,36ha của 2.869 hộ với số tiền 856,68 tỷ đồng. Đồng thời đã phê duyệt và thu hồi đất được 51,12ha. Đối với diện tích đất nông nghiệp đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng là 48,92ha của 1.904 hộ với số tiền 520,1 tỷ đồng. Còn 37 hộ chưa nhận tiền, diện tích 1,1ha với số tiền 11,3 tỷ đồng.
Về di chuyển mộ, phê duyệt 2.152 ngôi với số tiền 23,15 tỷ đồng. Đến nay đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ 1.543/2.152 ngôi mộ với số tiền 15,78 tỷ đồng. Trong đó có 1.393 ngôi mộ đã di chuyển.
Hiện huyện Hoài Đức nêu 2 kiến nghị, cụ thể: Huyện có 5,1ha nằm trong địa giới hành chính phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). UBND huyện đã có văn bản gửi Sở TN&MT đề xuất được áp dụng chính sách hỗ trợ giáp ranh. Từ đó, huyện đề nghị Sở TN&MT tham mưu trình UBND TP xem xét quyết định.
Huyện cũng đề nghị UBND TP chấp thuận phương án công trình hoàn trả đối với Miếu Lại Dụ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức) - là di tích đã được xếp hạng cấp TP nằm trong chỉ giới thu hồi thực hiện Dự án đường Vành đai 4 với diện tích 417,1m2…
Tìm mọi giải pháp tốt hơn để hỗ trợ người dân
Qua kiểm tra thực địa công tác GPMB tại 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, đi toàn tuyến thấy không khí Nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi và ủng hộ chủ trương của T.Ư, TP để thực hiện dự án Vành đai 4. Qua kiểm tra cho thấy người dân đã đồng thuận thì TP phải chú ý hơn, tìm mọi giải pháp tốt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển để đảm bảo tiến độ GPMB thực hiện dự án trên toàn tuyến.
“Nhân dân mà đã thuận, thì chúng tôi tin mọi cố gắng của TP sẽ được đáp ứng. Qua không khí phấn khởi di chuyển nhà cửa, mộ phần của Nhân dân thì thấy trách nhiệm của TP càng nặng nề hơn. Thành phố sẽ rà soát lại hết các chính sách từ chỗ di chuyển mồ mả, tái định cư và tạo điều kiện tốt nhất để người dân ủng hộ chủ trương của T.Ư, TP” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Đối với vấn đề tái định cư sau GPMB, Bí thư Thành ủy cho biết, TP sẽ tạo những điểm thuận lợi nhất để người dân thấy phù hợp với điều kiện sống của mình để sớm ổn định kinh doanh, cuộc sống, tạo thu nhập.
Về vấn đề di chuyển mộ, Bí thư Thành ủy đánh giá, qua khảo sát thực địa cho thấy thực tế mồ mả mà có đường Vành đai 4 đi qua nghĩa trang tập trung rất ít và phân tán nhiều. Đối với chỗ tập trung thì lâu nay không được quy hoạch nên việc chôn cất của người dân không phù hợp với quy hoạch. Do đó, TP sẽ có chủ trương chỉnh trang, mở rộng nghĩa trang lân cận theo quy hoạch.
Theo Bí thư Thành ủy, khi đường Vành đai 4 được đầu tư, hình thành không chỉ mở không gian phát triển riêng cho Hà Nội mà còn cả Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Riêng với Hà Nội, cùng với chủ trương mà Bộ Chính trị cho phép khi đầu tư dự án này thì với Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng tầm nhìn 2050 thì cơ cấu đất phát triển cho đô thị sẽ được điều chỉnh.
Thông tin thêm về tình hình triển khai dự án tại địa bàn, Chủ tịch UBND xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) Đỗ Xuân Đáng cho biết, xã Minh Khai bị ảnh hưởng khoảng 6ha đất nông nghiệp và 5.000m2 nghĩa trang đã chôn từ lâu. Xác định di dời mộ là khó khăn nhất, xã đã tuyên truyền tích cực trong Nhân dân.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng trên đất nông nghiệp, đến nay 100% người dân của xã đã nhận tiền đền bù, bàn giao toàn bộ đất, tài sản trên đất và Minh Khai là xã đầu tiên hoàn thành vấn đề này của huyện Hoài Đức. Còn đối với vấn đề di dời mộ, trong năm 2022 xã đã thực hiện vận động và di chuyển được 76% số mộ. Xã phấn đấu trong khoảng tháng 6-7 sẽ di dời cơ bản xong phần mộ
Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 thì không gian phát triển cho Thủ đô sẽ rộng mở hơn. Từ đó, TP có điều kiện hút dân ra vùng ngoài để giải quyết những vấn đề đang tồn tại, bức xúc trong nội đô như: úng lụt, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Đồng thời, có thêm điều kiện để di dời các cơ sở ô nhiễm, các trường đại học, bệnh viện theo chủ trương của T.Ư ra ngoài nội đô để dành thêm quỹ đất phát triển các công trình công cộng, công trình phúc lợi trong nội thành; bảo tồn được di tích văn hóa lịch sử, đặc biệt trong vùng nội đô.
“Hiện nay, chúng ta đang rất muốn làm điều này, nhưng rất khó khăn do những yếu tố là mật độ quá đông, cơ sở, hạ tầng xã hội trong nội đô còn khó khăn. Nếu có thể giãn dân ra thì chúng ta có những điều kiện để đảm bảo phát triển trong nội đô, bảo tồn được những di tích văn hóa lịch sử của Hà Nội nói chung và vùng nội đô nói riêng. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Hà Nội là phát triển đồng đều giữa các khu vực nội đô, ngoại đô, nội thành, ngoại thành và đặc biệt các huyện vùng xa” - Bí thư Thành ủy chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo lãnh đạo hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Bí thư Thành ủy nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quán triệt tinh thần trách nhiệm cao vào cuộc thực hiện công tác GPMB; sát sao với công việc, bám sát tình hình ở cơ sở, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, nên các đồng chí phải sát sao với công việc, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến lòng tin của dân và sự tin tưởng của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung ương” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.