Bí thư Thành ủy Hà Nội: Luôn nỗ lực để là điểm sáng thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, ngày 25/3, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, Hà Nội luôn nỗ lực để là điểm sáng thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Bày tỏ vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức, thay mặt lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chào mừng lãnh đạo Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn nhận thức và xác định phải gắn bó mật thiết, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả với các địa phương trong cả nước về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động của HĐND, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ quan trọng khác. Cùng với đó, Hà Nội cũng luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của Trung ương, cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Khái quát những kết quả Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong năm 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành phố đã đạt sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong đó, công tác cán bộ luôn được xác định là then chốt của then chốt. Thành ủy đã ban hành, chỉ đạo, quán triệt triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24 ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, qua đó đã thể hiện quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên.
Kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. GRDP đạt 6,27% (cao hơn bình quân chung của cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng/năm (cả nước là 101,9 triệu đồng/người/năm); cơ cấu GRDP chuyển biến tích cực, đúng hướng; thu hút vốn FDI đạt 2,91 tỷ USD, tăng 64%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với thực hiện năm 2022, trong đó, thu nội địa đạt 381,38 nghìn tỷ đồng chiếm 92,9%, cao nhất cả nước.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh, đầu tư, trở thành nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chỉ thị số 30/CT-TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. Thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú ý. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực, Thành phố hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng…
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô.
Nổi bật là phối hợp Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2024).
Thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt triển khai khép kín các đường vành đai, các cầu lớn qua sông Hồng, các trục hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường quốc lộ, các dự án liên kết vùng, các dự án trọng điểm… Đáng chú ý, ngày 25/6/2023, đã tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục triển khai Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; Nghị quyết về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch đầu tư về 3 mục tiêu - cải tạo, nâng cấp trường học, y tế và tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; triển khai đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; đề án cải tạo lại chung cư cũ; đề án phân cấp, ủy quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như: Dự án xử lý nước thải, chất thải, xử lý môi trường, dự án nước sạch, chống úng ngập, đường sắt đô thị...
Trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, HĐND Thành phố đã khẳng định được vị thế xứng đáng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; khẳng định được vai trò trong hệ thống chính trị với những quyết sách quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, nhân dân, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương…
“Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn ý thức sâu sắc rằng trong những thành tựu đã đạt được, bên cạnh sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hà Nội luôn nỗ lực để là điểm sáng thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.