Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Sẽ thay đổi chính sách thu hút thủ khoa cho Thủ đô
Trước đây Hà Nội có chính sách thu hút các thủ khoa của các trường đại học về làm việc tại các cơ quan của Thành phố nhưng thực tế các thủ khoa 'trụ lại', cống hiến lâu dài cho Hà Nội rất ít. Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, tới đây Hà Nội sẽ có cách làm mới, thay đổi hơn so với giai đoạn vừa qua.
Tại hội nghị lấy ý kiến của giới khoa học, trí thức vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội có lợi thế lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có hướng khai thác hiệu quả để phát triển bền vững.
TS Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị: “Hà Nội cần mạnh dạn hơn, thể hiện khát vọng, sự thay đổi thực sự về mặt khoa học công nghệ, để là điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Có như vậy mới đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng năng suất lao động”.
TS Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý, Hà Nội là Thủ đô, nơi hội tụ các trường đại học, học viện, cao đẳng có chất lượng nhất cả nước. Đây là thế mạnh rất lớn, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Cho nên phát triển nguồn nhân lực, tận dụng thế mạnh của Thủ đô về nhân lực chất lượng cao, tiềm lực khoa học công nghệ và văn hóa, coi đó là 3 thế mạnh riêng có của Thủ đô để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển.
TS Hoàng Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, cho rằng, Hà Nội phải thể hiện được mục tiêu là trung tâm thu hút nhân tài, nêu được khát vọng “chiêu hiền, đãi sĩ”. Để thu hút nhân tài, Hà Nội phải trở thành một nơi đáng sống. Từ chất lượng môi trường, không khí, đến phúc lợi xã hội, cải cách hành chính… đều phải đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống toàn diện của người dân.
“Hiện có chủ trương di dời các trường đại học, học viện, cao đẳng ra khỏi “nội đô”, làm việc này trước mắt sẽ tháo gỡ được một phần vấn đề hạ tầng cho Thành phố, nhưng cùng với đó sẽ di dời toàn bộ nguồn nhân lực chất lượng cao đi khỏi Hà Nội, vì thế Thành phố cần nêu rõ quan điểm về vấn đề này”, TS Hoàng Minh Sơn nói.
Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn góp ý vào văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trao đổi làm rõ hơn một số vấn đề mà các đại biểu chung mối quan tâm.
Cụ thể, về vấn đề di dời trụ sở của một số bộ ngành, bệnh viện, trường đại học, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, ông Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề không mới, đã được đặt ra từ lâu. Lần này, trong Văn kiện đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng tiếp tục đặt ra.
Vì thế, thành phố mong muốn các đại biểu của giới trí thức, nhà khoa học, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn đóng góp sâu sắc hơn về chủ trương này để có thể thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ tới. “Tinh thần là sẽ không di dời một cách máy móc các trụ sở cũ của các trường đại học ra khỏi nội thành”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Theo ông Vương Đình Huệ, Hà Nội cũng đang cân nhắc một số phương hướng giải quyết theo cách mới. Chẳng hạn, sau khi các bệnh viện, trường học di dời ra khỏi nội đô thì cơ sở cũ của các đơn vị này tại nội đô sẽ được sử dụng để xây dựng thành mô hình “khách sạn bệnh viện” hoặc đầu mối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu mối về quan hệ giao dịch quốc tế. Tương tự, các trường đại học cũng vậy.
“Ở các thành phố, Thủ đô của nước ngoài ngày nay vẫn có những cơ sở trường đại học lớn hàng trăm năm đặt trụ sở trong nội thành. Các trường này có các cơ sở đào tạo chủ yếu ở ngoại thành, còn trụ sở chính trong nội thành chỉ đào tạo chuyên môn cao như tiến sĩ, thạc sĩ, giao dịch quốc tế…”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu dẫn chứng.
Về vấn đề thu hút nhân tài, đào tạo nhân tài cho thành phố thời gian tới, ông Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội cũng sẽ có cách làm mới, thay đổi hơn so với giai đoạn vừa qua. Cụ thể, trước đây Hà Nội có chính sách thu hút các thủ khoa của các trường đại học về làm việc tại các cơ quan của thành phố.
Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách cho thấy, các thủ khoa “trụ lại” tại thành phố, cống hiến lâu dài cho thành phố rất ít, do nhiều lý do khác nhau. Vì thế, tới đây Hà Nội sẽ làm theo hướng chọn lựa nhân sự, cán bộ đủ tiêu chuẩn đang công tác tại các đơn vị thuộc hệ thống chính trị của thành phố để gửi đi đào tạo bài bản, chuyên sâu hơn tại nước ngoài. Chẳng hạn, cán bộ phục vụ công tác quản lý chính quyền đô thị thì gửi đi đào tạo tại Hàn Quốc, Nhật Bản…