Bí thư tỉnh Quảng Nam đối thoại với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 21/12, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023. Ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường bày tỏ vui mừng được gặp mặt, đối thoại với các già làng, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, ông cho biết, đây là dịp để lắng nghe, trao đổi, giải đáp những tâm tư, tình cảm, các kiến nghị, đề xuất, những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách trong thực tiễn. Qua trao đổi, lãnh đạo tỉnh nhằm hiểu sâu sát hơn tình hình thực tế, nhất là những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp phải để xem xét, kịp thời chỉ đạo giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, bức xúc, đề xuất chính đáng của đồng bào.
Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ và kịp thời động viên, chia sẻ, khích lệ tinh thần, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết và hành động quyết liệt của đội ngũ người có uy tín trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là thực hiện các chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tiếp tục phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh...
Theo ông Phan Việt Cường, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ chỗ là vùng nông thôn, miền núi nghèo nàn, lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao; đến nay, diện mạo khu vực miền núi có những đổi thay tích cực.
Đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng lên. Các chương trình y tế, dân số, giáo dục được triển khai thực hiện đồng bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Bên cạnh đó, các dự án quan trọng được quan tâm đầu tư, phù hợp với điều kiện miền núi, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương.
Tại hội nghị, nhiều già làng, người có uy tín đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào miền núi; đề xuất tỉnh kiến nghị với Trung ương nâng mức đầu tư hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế, ổn định tái định cư, đào tạo nâng cao chất lượng dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Các ý kiến cho rằng, các cấp lãnh đạo đã quan tâm rất nhiều về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, đồng bào có nguyện vọng phục dựng và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đúng với nguyên bản của mỗi dân tộc.
Đồng bào vùng núi cao đề nghị quan tâm hơn nữa nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Trung ương và tỉnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi khó khăn, để khai thác tiềm năng, giải quyết lao động, việc làm tại chỗ cho người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong cùng khu vực. Đồng thời, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên để người có uy tín thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con trong cộng đồng dân cư, tham gia hội họp.
Biểu dương những đóng góp tích cực của người có uy tín đối với sự phát triển của miền núi, ông Phan Việt Cường đề nghị bên cạnh phát huy kết quả đạt được, các già làng và người có uy tín cần tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương.