Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chốt thời gian 'xóa sổ' lò gạch thủ công
'Nếu giữa năm sau vẫn còn lò gạch thủ công thì Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn phải chịu trách nhiệm', Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo.
Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Trong đó, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn là vấn đề được HĐND quan tâm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định là một trong những "thủ phủ" của lò gạch. Lộ trình đến năm 2016 các huyện cơ bản đã xóa xong lò gạch thủ công, duy nhất huyện Tây Sơn chưa hoàn thành.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, Giám đốc Sở Xây dựng giải trình, cam kết cuối năm 2023 sẽ cơ bản xóa xong. Tuy nhiên, đến giờ theo báo cáo vẫn còn.
“Nếu kỳ họp giữa năm sau vẫn còn lò gạch thủ công thì Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn phải chịu trách nhiệm. Mặc dù việc xóa bỏ các lò gạch thủ công khó, tuy nhiên tỉnh phải quyết tâm theo chủ trương của Chính phủ”, ông Dũng nói.
Bà Lê Bình Thanh – Bí thư Huyện ủy Tây Sơn cho biết, việc xóa bỏ lò gạch thủ công địa phương đã triển khai rất quyết liệt, từ 958 lò đến nay chỉ còn 30 lò. Trong đó, có 23 lò nằm trong các cụm công nghiệp, 7 lò nằm ở ngoài.
Bà Thanh cho hay, đây là ngành nghề truyền thống của người dân địa phương. Mặc dù nhiều lò thủ công hiện không còn sản xuất nữa nhưng người dân rất "nấn ná", bởi đó là gia tài của gia đình.
Đối với các lò gạch trong các cụm công nghiệp, trước đây có hộ nhận tiền đền bù, có hộ chưa, hiện giờ người dân mong muốn nếu có doanh nghiệp vào thì được bồi thường thêm rồi mới tháo dỡ.
Theo bà Thanh, khả năng đến 31/12/2023, sẽ "xóa sổ" lò gạch thủ công trên địa bàn huyện.
Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu, lò vôi thủ công và các giải pháp thay thế như sau:
Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục.