Bí thư Tỉnh ủy Bình Định: 'Sức mình làm được thì làm, còn không thì để người khác làm'
Sáng 10/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, khai mạc kỳ họp lần thứ 13 (kỳ họp chuyên đề).
Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định chủ yếu xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, quyết nghị thông qua các nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư về kéo dài thời gian thực hiện các dự án.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, cho biết Bình Định vẫn đang thuộc tốp đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công và khả năng năm nay cũng sẽ đạt được kế hoạch.
Tỉnh cũng đang cố gắng giải ngân nguồn vốn Trung ương giao đạt 100%. Tuy nhiên, theo ông Dũng, với 3 chương trình mục tiêu quốc gia khả năng không đạt, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp.
Về nguồn vốn ngân sách của tỉnh, yêu cầu phải giải ngân được ít nhất 95%, còn lại mới chuyển sang năm sau. Tuy nhiên việc này cũng cần hạn chế. Riêng đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 thì phải giải ngân hết. Địa phương nào, chủ đầu tư nào không giải ngân hết thì phải chịu trách nhiệm.
Cũng tại kỳ họp, qua ý kiến báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến các đại biểu HĐND, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng còn một số tồn tại về vấn đề đầu tư công, cho thấy công tác chuẩn bị chưa tốt.
Dẫn chứng 64 dự án đến bây giờ chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu “trách nhiệm này thuộc về ai? Cần phải làm rõ”.
Ngoài ra, còn nhiều nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Hầu hết các dự án kéo dài là do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Đề nghị các địa phương, và cả người đứng đầu cần phải vào cuộc. Các địa phương cần phải xem công tác GPMB là trách nhiệm để cùng chung tay, không thể đẩy hết ‘gánh nặng’ cho tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá cao công tác GPMB của TP. Quy Nhơn để triển khai các dự án
Trong thời gian tới, đề nghị rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư. “Chủ đầu tư nào năng lực hạn chế thì điều chuyển, giảm đi, không giao nhiệm vụ nữa. Chủ đầu tư nào để xảy ra việc chậm chạp, không hiệu quả, quản lý không chặt chẽ thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm. Việc này UBND tỉnh phải rà soát lại kể cả huyện, xã”, ông Dũng nói.
“Những công trình nào không có lý do chính đáng mà chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền ký gia hạn thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm. Mặt bằng giao sạch không có vấn đề gì hết tại sao lại xin gia hạn?”.
Riêng đối với những trường hợp làm chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng, ông Dũng đề nghị phải xử phạt, cấm không cho tham gia các dự án trên địa bàn tỉnh.
“Sức mình làm được thì làm, còn không thì để người khác làm, tại sao cứ ôm vào như thế. Các chủ đầu tư cũng phải hiểu được việc này, chứ còn cứ đề xuất gia hạn hợp đồng mà không nói lý do chính đáng thì tôi sẽ xử lý trách nhiệm”, ông Dũng gay gắt nói.
Xung quanh một số thủ tục còn vướng mắc, liên quan đến đánh giá tác động môi trường và phòng cháy chữa cháy, lãnh đạo HĐND tỉnh yêu cầu giám đốc sở, ngành phụ trách tới đây phải ban hành một chuẩn để cụ thể hóa. Tránh để xảy ra tình trạng xin gia hạn, kéo dài, gây bức xúc...