Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Cán bộ, đảng viên phải cam kết không tham nhũng, tiêu cực
Sáng 11-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022.
Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu chính.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Linh cho biết: Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của trung ương và tỉnh về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, ban hành 7 quy định, kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện các quy định về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Nhờ đó, công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai 4 đoàn kiểm tra đối với 4 tổ chức Đảng, 9 đảng viên; giám sát 4 tổ chức Đảng và 12 đảng viên. Qua kiểm tra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 2 đảng viên; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 2 tổ chức Đảng và cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 1 đảng viên. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì 2 đoàn kiểm tra về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án dư luận quan tâm. Qua đó, chuyển 3 vụ có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra xác minh làm rõ.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: Trong năm 2021, công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, đảm bảo tính công bằng, khách quan, qua đó tạo niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức nêu những kết quả nổi bật: Ngành Thanh tra đã triển khai 124 cuộc thanh tra; qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm tài chính tại 164 đơn vị với số tiền 24,2 tỷ đồng, chuyển 4 hồ sơ vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Ngoài ra, còn tiến hành 11 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. “Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện chấn chỉnh những sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, có tác dụng rất lớn đối với việc răn đe, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực”-Chánh Thanh tra tỉnh nhấn mạnh.
Về kết quả công tác điều tra, truy tố, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Công tác điều tra đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực đã được lực lượng Công an triển khai quyết liệt, không để bỏ lọt tội phạm. Trong năm qua, cơ quan điều tra 2 cấp đã thụ lý 17 vụ với 37 bị can liên quan đến nhóm tội phạm tham nhũng, chức vụ (tăng 6 vụ và 14 bị can so với năm 2020), đến nay đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 8 vụ với 19 bị can”. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát các cấp cũng đã thụ lý 8 vụ với 19 bị can, đến nay đã truy tố 7 vụ với 10 bị can.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cho rằng, công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị. Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Trong năm 2021, công tác này đã được triển khai quyết liệt, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đã được nâng lên, số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là hơn 17 tỷ đồng, song đến nay mới chỉ thu hồi được hơn 4,7 tỷ đồng. Chính vì thế, các đại biểu cần tập trung thảo luận đề ra những giải pháp cụ thể để công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả hơn, tạo được bước chuyển biến trong nhận thức tư tưởng không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà cần lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân”.
Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Nguyễn Hoàng Phong cho rằng: “Qua giám sát, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, đơn vị nộp vào Kho bạc Nhà nước 200 triệu đồng, tiến hành xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có sai phạm liên quan đến nguồn quỹ vì người nghèo”. Bí thư Huyện ủy Phú Thiện cũng đề xuất: Để công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới có hiệu quả, trước tiên cần vai trò nêu gương của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi người đứng đầu nên thường xuyên kiểm tra cơ quan, đơn vị mình trước để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt cho rằng: Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là phát huy vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội. Thời gian tới, HĐND các cấp sẽ tích cực, chủ động giám sát hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị để phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, việc thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, công khai minh bạch các thủ tục sẽ không tạo kẽ hở để những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng vị trí của mình để tham nhũng, tiêu cực.
Đề cập vai trò của báo chí trong phòng-chống tham nhũng, Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Lương Văn Danh cho biết: Thời gian qua, Báo Gia Lai đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Báo có nhiều bài viết phản ánh hành vi tiêu cực ở một số địa phương, đơn vị; qua đó cơ quan chức năng đã kịp thời kiểm tra, xử lý. Trong thời gian tới, Báo Gia Lai luôn xác định tuyên truyền, phản ánh các hành vi tham nhũng, tiêu cực là việc làm thường xuyên. Chính vì thế, các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để cung cấp thông tin, định hướng dư luận khi có vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã biểu dương những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của cả tập thể, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc; tập trung giáo dục cho cán bộ, đảng viên coi trọng danh dự, không để vật chất làm lu mờ dẫn đến sai phạm. Cùng với đó, tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; tiếp tục đối thoại với người dân, xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Đặc biệt, cấp ủy các cấp cần tổ chức cho cán bộ, đảng viên cam kết không tham nhũng, tiêu cực.