Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Mang Yang cần tăng cường quản lý, bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân
Chiều 12-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, những tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Cùng với đó, nắm bắt việc thực hiện quy chế làm việc, chương trình làm việc của cấp ủy; công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân theo quy định.
Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mang Yang Nguyễn Văn Tha thông tin: Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy đã bám sát quy chế, chương trình làm việc và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Theo đó, 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 7.662,6 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), đạt 100,58% kế hoạch, tăng 11,7%. Trong đó, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đạt hơn 2.911,3 tỷ đồng, tăng 7,02% so với năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp trên 1.422 tỷ đồng, đạt 101,05% kế hoạch, tăng 15,4% so với năm trước; giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ gần 2.304 tỷ đồng, đạt 100,03% kế hoạch, tăng 15,63% so với năm 2022.
“Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, đã chuyển đổi 440 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, tái canh hơn 61 ha cà phê. Huyện đã triển khai 4 chuỗi liên kết sản xuất trên cây chanh dây, sầu riêng, cây dược liệu với tổng kinh phí đầu tư hơn 3,47 tỷ đồng. Công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm.
Cùng với đó, huyện tiếp tục đôn đốc triển khai thi công, giải ngân vốn các công trình năm 2023 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024. Đặc biệt, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy trình, quy định”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Tha cho hay.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư tiếp tục được huyện quan tâm chỉ đạo, đôn đốc cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm triển khai dự án đã ký cam kết. Trong năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cho chủ trương đầu tư 5 dự án trên địa bàn. Công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã được quan tâm. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã thành lập mới 15 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm và đạt được kết quả khả quan. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác phòng-chống tham nhũng, cải cách tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng triển khai đồng bộ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra…
Trong năm 2023, huyện tiếp nhận 70 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền; trong đó, đã giải quyết 62/70 đơn, đạt 89%, còn 8 đơn các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Tha thông tin thêm: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, trong 21 chỉ tiêu, có 1 chỉ tiêu chính không đạt Nghị quyết đề ra.
Công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn vướng các quy định, ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn các công trình sự nghiệp chưa đảm bảo theo kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do một số hộ dân không thống nhất phương án đền bù.
Huyện kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng cơ sở nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nâng cao đời sống của người dân.
Đề xuất nhiều giải pháp căn cơ
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của huyện trong thời gian qua. Đồng thời, thông tin, giải đáp những ý kiến, kiến nghị của địa phương.
Đối với kiến nghị của huyện về đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông trên địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng cho rằng: Huyện cần nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án giao thông mang tính kết nối, nhất là với các tuyến giao thông huyết mạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Cùng với đó, huyện cần chú trọng triển khai các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Huyện ủy Mang Yang cần chú ý đến yếu tố xây dựng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, từng bước cải thiện đời sống của người dân.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Mang Yang mặc dù là huyện nghèo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhưng có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch… Do đó, huyện cần tập trung làm tốt công tác trồng rừng cũng như đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng.
Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thu hút đầu tư phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, góp phần tạo việc làm, giúp người dân cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị: Thời gian tới, tập thể cấp ủy, trước hết là Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, bám sát Quy chế làm việc của cấp ủy và các quy định của cấp trên để lãnh đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị của huyện được triển khai thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa; thường xuyên sâu sát, bám nắm cơ sở, chủ động nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chính đáng của người dân, nhất là các vấn đề tồn tại, kéo dài.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang cần tập trung rà soát, đánh giá đúng tình hình, thực trạng về phát triển kinh tế-xã hội của huyện và việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy để có định hướng lãnh đạo hiệu quả.
Chú trọng rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025; những chỉ tiêu đạt thấp hoặc đến hết nhiệm kỳ khả năng khó đạt để có giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tạo thuận lợi trong kêu gọi, triển khai các dự án đầu tư.
“Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang cần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với tạo điều kiện, sinh kế cho người dân sống gần rừng; nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ, đối tượng, không để lãng phí, thất thoát và hiệu quả mang lại phải thiết thực, không chạy theo thành tích”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị: Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai hiệu quả các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm khai thác các tiềm năng về vị trí địa lý, văn hóa, sinh thái, khí hậu để phát triển du lịch; chú trọng công tác giáo dục, nâng cao dân trí; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội. Tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lôi kéo, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quan tâm, làm tốt công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức Đảng ở cơ sở; chú trọng công tác, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận cho huyện, tỉnh.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của huyện, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên yêu cầu các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.