Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn: Phải cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ

Sáng 12/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến về 'Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ nguồn thu tiền sử dụng đất (SDĐ) năm 2021, dự báo thu năm 2022 gắn với thu hút đầu tư'. Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành...

Your browser does not support the audio element.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2021, dự toán thu NSNN của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao 4.158,4 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 4.820 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách từ tiền SDĐ được TTCP giao 1.500 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 1.700 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/7, số thu từ tiền SDĐ khối tỉnh thực hiện khoảng 145,215 tỷ đồng, đạt 15,16% dự toán TTCP giao, 14,52% dự toán HĐND tỉnh giao. Thu tiền SDĐ của khối huyện theo Kế hoạch thực hiện năm 2021 đạt 117,834 tỷ đồng, bằng 21,7% so với dự toán của TTCP và 16,8% so với dự toán HĐND tỉnh. Theo tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh, dự kiến hết tháng 7, toàn tỉnh sẽ hoàn thành thu tiền SDĐ của 23 dự án với số thu ước đạt 310,629 tỷ đồng, như vậy, các dự án thu tiền SDĐ và đấu giá quyền SDĐ hiện đang chậm được triển khai thực hiện.

Thu NSNN từ tiền SDĐ gặp khó khăn do một số dự án đầu tư chưa đảm bảo tiến độ thực hiện GPMB, đưa đất ra đấu giá quyền SDĐ còn chậm, dẫn đến chậm tiến độ thu. Đối với trụ sở có phương án bán sau dôi dư gặp vướng mắc do thiếu đồng bộ về quy hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng. Trích đo địa chính qua các thời kỳ tại địa phương không thống nhất qua nhiều lần đo đạc, chỉnh lý, độ chính xác không cao, không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến chậm triển khai công tác định giá, bán đấu giá tài sản theo quy định. Hiện còn tình trạng cán bộ gây trở ngại công tác đền bù, GPMB dự án đầu tư...

Để hoàn thành nhiệm vụ thu tiền SDĐ năm 2021 và những năm tiếp theo, các đại biểu điểm cầu của tỉnh và các huyện, thành phố đề nghị: Tỉnh sớm phê duyệt danh mục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án về đất. Ưu tiên bố trí nguồn vốn GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án có thu tiền SDĐ. Xác định giá đất cụ thể để triển khai công tác GPMB và có chính sách bồi thường thỏa đáng khi thu hồi đất trồng lúa để tạo sự đồng thuận của người dân…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thu ngân sách từ tiền SDĐ đạt thấp, nên những tháng cuối năm còn nhiều việc phải làm, thuộc trách nhiệm ngành nào, ngành đó phải sát sao. Cấp ủy các huyện, thành phố sát sao chỉ đạo để thực hiện đạt và vượt dự toán, vì nhiệm vụ này liên quan chặt chẽ đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư. Đồng thời, chú trọng hoàn thành công tác quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021 – 2030, làm chìa khóa mở ra các nhiệm vụ khác. Đơn vị tư vấn, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp xây dựng giá khởi điểm, bởi đây là mốc quan trọng để đấu giá đất đảm bảo khách quan, tính cạnh tranh. Đối với công tác thu hút đầu tư phải quan tâm tới quy hoạch chung, quy hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng để thu hút các dự án tiềm năng, từ đó tạo nguồn thu và thúc đẩy tăng trưởng.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Thu NSNN và thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng nhất trong tổng thể phát triển KT – XH năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cũng là năm kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh, vì vậy cần phải có quyết tâm rất cao của từng sở, ngành, địa phương thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu NSNN đạt 10.000 tỷ đồng, song cần phải tính dài hơi, thu từ phát triển kinh tế chứ không thể chỉ dựa vào bán đất, vì đất có giới hạn. Muốn vậy, phải thu hút đầu tư để có nguồn thu bền vững.

Các sở, ngành cần làm tốt công tác tham mưu và phải tham mưu hết trách nhiệm, khắc phục yếu kém trong việc ban hành chất lượng văn bản, xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường pháp lý. UBND tỉnh sớm có chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và phải rõ trách nhiệm. Đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ, đạo đức cán bộ, không để cản trở công việc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Thời gian tới cần tập trung các giải pháp khắc phục ngay tồn tại, hạn chế, làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân. Nội dung đánh giá cán bộ cuối năm phải gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ hành chính. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; quan tâm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Rà soát, đánh giá cán bộ, không nể nang, né tránh, loại ra khỏi đội ngũ cán bộ gây cản trở, không đồng chí hướng, mục tiêu là đồng tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT - XH…

Hoàng Nga

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/155719/bi-thu-tinh-uy-ngo-van-tuan-phai-cu-the-hoa-trach-nhiem-ca-nhan-tr111ng-thuc-hien-nhiem-vu.htm