Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long: Đến 8h ngày 7/9 phải di dời toàn bộ người dân ra khỏi các điểm có nguy cơ thiên tai cao

Chiều 6/9, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến từ UBND tỉnh đến điểm cầu các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Chiều 6/9, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến từ UBND tỉnh đến điểm cầu các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Bão số 3 tên quốc tế là Yagi. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Ảnh hưởng của bão, dự báo từ ngày 7 - 9/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa có thể lên đến 300 - 350 mm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu xa cơn bão số 3, tỉnh Hòa Bình có khả năng xuất hiện mưa dông kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ngay sau khi có thông tin về bão số 3 xuất hiện trên biển, các cơ quan thường trực về công tác phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, đồng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và bão có thể ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn - Phòng thủ dân sự tỉnh đã dự trữ hơn 11 nghìn phao cứu hộ các loại; 284 nhà bạt; 7 xe cứu hộ, 44 tàu, thuyền tìm kiếm cứu nạn; 106 xe ô tô các loại; 18 máy bơm và 16 bộ hệ thống truyền hình hội nghị, một số phương tiện chuyên dùng khác và nhiều nhu yếu phẩm để sẵn sàng phòng chống bão.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú ý di dời các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, ngập úng ra khỏi khu vực không an toàn; đảm bảo an toàn đối với các thuyền, bè trên lòng hồ sông Đà, các tuyến đường giao thông thường xuyên bị sạt lở như tuyến quốc lộ 6 đoạn dốc Cun, đường 433; đường 435… Các đại biểu đề nghị UBND các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng trực tại các tuyến đường; ngầm tràn; rà soát các khu vực trọng điểm, sẵn sàng phương tiện và vật chất để ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát các khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ cao, khẩn trương di dời hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương quan tâm đến hoàn lưu bão vì thời gian này lượng mưa rất lớn, nguy cơ sạt lở rất cao. Rà soát các hồ đập, nhất là các hồ, đập bị xuống cấp để có phương án gia cố, khắc phục. Đặc biệt phải giữ thông tin liên lạc giữa các cấp để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cả hệ thống chính trị phải nâng cao nhận thức đối với công tác phòng chống cơn bão số 3. Các cấp, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm công điện ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, công điện của UBND tỉnh và chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy về ứng phó với bão số 3. Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trực 24/24h trong suốt thời gian lũ bão, không ra khỏi địa bàn. Giao Sở NN&PTNT là đầu mối 6 tiếng 1 lần có thông báo gửi Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTQ tỉnh tình hình lũ bão. Các đồng chí phụ trách các xã nắm sát tình hình các xã kịp thời báo cáo khi có sự cố xảy ra.

Sở Thông tin và truyền thông tăng cường công tác thông tin truyền thông tình hình cơn bão số 3, cập nhật một cách nhanh nhất thông tin đến người dân. Lực lượng công an, bộ đội, y tế, tổ xung kích phòng chống bão lũ địa phương trực 100% lực lượng. Các địa phương hoãn tất cả các cuộc họp, dừng tất cả hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động đông người ngoài trời để ứng phó với lũ bão. Ngành GD&ĐT cho phép toàn bộ học sinh nghỉ học từ thứ 7 đến hết thứ 2. Vận động các hộ dân không ra ngoài trong thời gian lũ bão và chủ động di dời, tìm nơi tránh trú an toàn.

Các xã, thị trấn khẩn trương di dời người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở trước 8h ngày 7/9. Toàn bộ phương tiện thủy dừng hoạt động. Tổ chức trực chốt đối với các ngầm, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Nguyên tắc là đến 8 giờ ngày 7/9, toàn bộ các điểm có nguy cơ cao phải di dời người dân đến nơi an toàn. Chủ động phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ, cấp nào lo cấp ấy. Các cơ quan nhà nước chủ động công tác phòng chống tại cơ quan mình. Đối với các ngành chuyển tất cả đồ đạc, dụng cụ, trang thiết bị đến nơi an toàn. Sẵn sàng trưng dụng các trường học, trụ sở cơ quan để người dân tránh trú trong trường hợp cần thiết…

Đ.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/193049/bi-thu-tinh-uy-nguyen-phi-l111ng-den-8h-ngay-79-phai-di-doi-toan-bo-nguoi-dan-ra-khoi-cac-diem-co-nguy-co-thien-tai-cao.htm