Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đề nghị cán bộ gạt bỏ tâm tư về sắp xếp bộ máy, tập trung phục vụ Nhân dân

'Tất cả cán bộ của phường Việt Trì nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung phải ổn định tư tưởng, gạt bỏ tâm tư, rà soát cơ chế, chính sách, quy hoạch hướng tới sự phát triển của tỉnh Phú Thọ', ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, chỉ đạo tại kỳ họp thứ nhất HĐND phường Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 Ông Đặng Xuân Phong phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ nhất HĐND phường Việt Trì.

Ông Đặng Xuân Phong phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ nhất HĐND phường Việt Trì.

Trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại tỉnh Phú Thọ, 148 đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Phú Thọ tổ chức họp HĐND kỳ họp thứ nhất.

Trong đó, phường Việt Trì được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 xã, phường của TP. Việt Trì (cũ), gồm: Tân Dân, Gia Cẩm, Minh Nông, Dữu Lâu và Trưng Vương.

Đây là nơi đặt trụ sở các cơ quan hành chính đầu não của tỉnh, với dân số hơn 73.000 người.

 Ông Đặng Xuân Phong tặng hoa chúc mừng HĐND phường Việt Trì.

Ông Đặng Xuân Phong tặng hoa chúc mừng HĐND phường Việt Trì.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND lần thứ nhất của phường Việt Trì, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Đặng Xuân Phong khẳng định, người dân Việt Trì nói riêng, cả nước nói chung hiện tại đang rất phấn khởi vì sự thay đổi mô hình hoạt động mới của tỉnh, của đất nước chính vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc trau dồi, phát huy năng lực để phục vụ tốt nhất người dân.

Ông Phong cho rằng, điều quan trọng số 1 sau khi phường Việt Trì đi vào hoạt động phải phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ để phục vụ Nhân dân. Các cán bộ phường phải có tinh thần đổi mới, thay đổi tư duy, phải nhận thức là người phục vụ nhân dân, tất cả vì Nhân dân.

 Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất HĐND phường Việt Trì.

Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất HĐND phường Việt Trì.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu: "Tất cả cán bộ của phường Việt Trì nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung phải ổn định tư tưởng, gạt bỏ tâm tư, rà soát cơ chế, chính sách, quy hoạch hướng tới sự phát triển của tỉnh Phú Thọ; đưa tỉnh nhà bước vào thời kỳ phát triển mới, xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kêu gọi tận tâm cống hiến, xóa bỏ mọi rào cản và sự khác biệt

Sáng 1/7, HĐND tỉnh Quảng Ngãi (mới) khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất, công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và kiện toàn tổ chức bộ máy.

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh thông báo số lượng đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2021-2026, gồm 91 đại biểu (44 đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi (cũ) khóa XIII và 47 đại biểu tỉnh Kon Tum khóa XII).

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Tuy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của tỉnh Quảng Ngãi mới.

“Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ, chính quyền và cử tri trong tỉnh, tôi tin tưởng rằng các đại biểu HĐND tỉnh sẽ phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tham gia thảo luận và quyết nghị các nội dung kỳ họp với thái độ nghiêm túc, khách quan, công tâm, sát thực tiễn và đúng pháp luật, đáp ứng kỳ vọng của cử tri”, ông Tuy đề nghị.

 Ông Nguyễn Đức Tuy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Đức Tuy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết: Thành lập các ban của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết: Thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh; quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí hộ tịch trên địa bàn; quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký kinh doanh trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, việc hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi mới không chỉ là việc sắp xếp địa giới hành chính mà còn là bước chuyển về chất trong mô hình phát triển, quản trị vùng và thiết chế thể chế.

 Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Trước yêu cầu, điều kiện và bối cảnh lịch sử mới, HĐND tỉnh Quảng Ngãi cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm trong thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, cả về tư duy, tổ chức và phương thức hoạt động.

Trong bối cảnh đất nước chuyển mình với định hướng phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế xanh - thông minh, thì vai trò của HĐND không chỉ là "quyết nghị" mà còn là "định hướng", "kiến tạo" và "đồng hành" cùng sự phát triển.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Vân đề nghị HĐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó cần rà soát, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong 6 tháng cuối năm, cũng như chuẩn bị tốt cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2005-2030, đảm bảo sát tình hình thực tiễn.

 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.

Trong đó đặt quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của giai đoạn đầu hợp nhất tỉnh, thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8,5%, tạo tiền đề để tăng trưởng hai con số bắt đầu từ năm 2026.

“Mỗi cán bộ, đại biểu HĐND và cử tri tỉnh Quảng Ngãi hãy cùng nhau nuôi dưỡng khát vọng phát triển, khơi dậy tinh thần sáng tạo, tận tâm cống hiến, không lùi bước trước khó khăn, xóa bỏ mọi rào cản và sự khác biệt… Không để sự so đo thiệt hơn, thái độ làm việc lừng chừng, không còn nhiệt huyết, sự tự bằng lòng thiêu rụi khát vọng, để Quảng Ngãi không bị lỡ nhịp cùng cả nước, sớm trở thành điểm sáng trong phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước”, bà Vân nói.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ: Thực thi chính sách kịp thời, không để người dân hay cán bộ bị bỏ lại phía sau

Tại kỳ họp đầu tiên của HĐND TP. Cần Thơ (mới), Bí thư Thành ủy Cần Thơ - ông Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là bước đi lịch sử, mở ra giai đoạn phát triển mới với nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc chuyển đổi này không chỉ đơn thuần thay đổi địa giới hành chính, còn có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu giai đoạn mới trong hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị đồng bộ.

 Bí thư Thành ủy Cần Thơ - ông Đỗ Thanh Bình.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ - ông Đỗ Thanh Bình.

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp, theo ông Bình, là cơ hội để xây dựng nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, đảm bảo mọi lợi ích thuộc về nhân dân. Thực hiện triệt để nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu, các cấp ngành khẩn trương sắp xếp, bố trí cán bộ vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả, đảm bảo mọi chính sách được thực thi kịp thời, không để người dân hay cán bộ bị bỏ lại phía sau.

“Đây là cơ hội làm mới tư duy, cải cách cách làm việc, phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa bàn, từng cộng đồng dân cư trong một chỉnh thể phát triển đồng bộ”, ông Bình nói.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị HĐND Thành phố tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để sớm đưa các Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Trước hết, cần nhanh chóng hoàn tất công tác bộ máy, nhân sự, hoạt động xây dựng thể chế và giám sát. Đặc biệt, sớm tích hợp các chiến lược phát triển của 3 địa phương cũ (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) thành tổng thể thống nhất, ban hành quyết sách mới phù hợp đặc thù địa bàn mở rộng.

"Mục tiêu đưa Cần Thơ trở thành thành phố hiện đại, xanh, bền vững, bao trùm - nơi mọi người dân được thụ hưởng xứng đáng thành quả phát triển. Để Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Bình nói thêm.

 Quang cảnh kỳ họp HĐND TP. Cần Thơ đầu tiên sau hợp nhất với Hậu Giang, Sóc Trăng.

Quang cảnh kỳ họp HĐND TP. Cần Thơ đầu tiên sau hợp nhất với Hậu Giang, Sóc Trăng.

Tại kỳ họp, HĐND thành phố đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính; bầu các chức danh chủ chốt HĐND, UBND thành phố; bầu Phó Trưởng ban, Ủy viên các Ban HĐND; thành lập Tổ đại biểu, phân công Tổ trưởng, Tổ phó các Tổ đại biểu HĐND Thành phố.

HĐND cũng thông qua nghị quyết thành lập các Ban của HĐND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố; nghị quyết tạm giao biên chế công chức, phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách và tạm giao dự toán thu - chi ngân sách cho các sở, ngành, địa phương, đảm bảo hoạt động liên tục sau sắp xếp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp đầu tiên, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ cho biết, kỳ họp này đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề gắn với yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy, được cử tri và nhân dân quan tâm, kỳ vọng và đồng thuận cao.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ - Đồng Văn Thanh phát biểu tổng kết kỳ họp đầu tiên của HĐND sau hợp nhất.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ - Đồng Văn Thanh phát biểu tổng kết kỳ họp đầu tiên của HĐND sau hợp nhất.

Theo ông Đồng Văn Thanh, HĐND Thành phố khẳng định quyết tâm đồng hành cùng UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, xứng đáng với niềm tin của cử tri.

Ông Đồng Văn Thanh đề nghị UBND Thành phố, các sở ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết đã được thông qua; sớm kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo vận hành hiệu quả, gần dân hơn; đủ năng lực giải quyết công việc phục vụ nhân dân và sự phát triển của thành phố. Các đại biểu HĐND cần thường xuyên gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời phản ánh, giải quyết.

 Các đại biểu HĐND TP. Cần Thơ biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết tại phiên họp đầu tiên.

Các đại biểu HĐND TP. Cần Thơ biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết tại phiên họp đầu tiên.

Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ tin tưởng, Thành phố sẽ phát huy tối đa tiềm năng, mở rộng không gian phát triển, tạo sức mạnh mới và bước vào giai đoạn ngày càng hưng thịnh.

Tại kỳ họp, ông Lý Rotha - Phó Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban HĐND TP. Cần Thơ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ.

Các Phó Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ gồm: Bà Mã Thị Tươi, bà Võ Thị Mỹ Trang; ông Lý Rotha, ông Trần Quốc Vũ.

Trưởng các Ban HĐND TP. Cần Thơ, gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Yến - Trưởng Ban Pháp chế; bà Võ Kim Chuyền - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách; ông Trần Thanh Long - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội; ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban Đô thị; ông Long Tân Vĩnh - Trưởng Ban Dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra vào sáng nay (1/7), thời điểm chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào vận hành, ông Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở, ngành tập trung triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm bộ máy mới đi vào hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả, không để gián đoạn công việc; không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục triển khai thực hiện các Tổ công tác rà soát, nghiên cứu, định hướng việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Quyết định số 857/QĐ-UBND ngày 26/3/2025 để đôn đốc, chỉ đạo và nắm bắt tình hình hoạt động của các xã mới.

 Người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Vinh sáng 1/7

Người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Vinh sáng 1/7

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; tập trung cao độ, bám sát cơ sở, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn để đưa bộ máy mới vào hoạt động thông suốt.

Rà soát, hệ thống hóa các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, các văn bản hướng dẫn của ngành để gửi lại cho các địa phương nắm bắt; nếu cần thiết thì tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quyết định, quy định, hướng dẫn hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Trung ương, nhất là 28 Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa các cấp Trung ương, tỉnh và xã, phường.

Thành lập các bộ phận thường trực kèm theo đường dây nóng để hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, giải quyết ngay các vấn đề, tình huống phát sinh ở cấp xã mới; bảo đảm vận hành hệ thống thông tin, hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, chuyển đổi số liên thông, đồng bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu giảm 40% thời gian, 30% thủ tục trong mô hình tổ chức.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Giám đốc sở chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các công việc được phân công hoặc ủy quyền.

Đặc biệt, để phục vụ công tác quản lý và điều hành của cấp xã thông suốt, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp các sở, ngành tham mưu tổ chức Hội nghị tập huấn các chuyên đề theo lĩnh vực cho cán bộ, công chức sau một thời gian vận hành mô hình mới, dự kiến sau Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII.

Từ ngày 1/7, cùng với cả nước, Nghệ An chính thức vận hành theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Sau sắp xếp, Nghệ An hiện có 130 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã và 11 phường. Trong đó, có 110 xã và 11 phường được hình thành mới, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính cũ; 9 xã được giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp.

Viết Hà - Nguyễn Ngọc - Nhật Huy - Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bi-thu-tinh-uy-phu-tho-de-nghi-can-bo-gat-bo-tam-tu-ve-sap-xep-bo-may-tap-trung-phuc-vu-nhan-dan-post1756385.tpo