Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên: Không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá thuốc, vật tư y tế
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý, không để xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh găm hàng, tăng giá thuốc, vật tư y tế.
Theo Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, trong thời gian qua, mặc dù số ca F0 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhưng Thái Nguyên vẫn đang kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh. Thái Nguyên hiện đang nằm trong nhóm các tỉnh có độ tiêm phủ vắc xin phòng Covid -19 cao nhất của cả nước. Tuy nhiên, do Thái Nguyên là địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, các trường đại học nên lưu lượng người lao động, học sinh, sinh viên, chuyên gia người nước ngoài… đến làm việc và học tập lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao hơn thế nữa một số người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 làm lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng…
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đã phát sinh các tình huống mới như: Găm hàng, tăng giá thuốc, vật tư y tế; việc tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế và của UBND tỉnh có lúc có nới chưa được triệt để làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, không chủ quan, lơ là, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức chấp hành không nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Sở Công Thương cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá thuốc, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm, gây bất ổn, làm ảnh hưởng không tốt đến việc phòng, chống, điều trị Covid-19 cũng như cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại Thái Nguyên tính đến thời điểm ngày 27/02/2022, lũy tích số ca F0 là 102.381 người, trong đó 43 người tử vong; 91.925 trường hợp F0 được quản lý và điều trị tại nhà, nơi lưu trú, trong đó có 24.467 trường hợp khỏi bệnh. Sau các đợt triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 2.325.913 liều. Đối tượng trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 là 907.545 liều (đạt 99,95%); tiêm mũi 2 là 843.474 (đạt 96.3%); tiêm mũi 3 là 359.544 (đạt 42,63%). Đối tượng trẻ em từ 12 đến 17 tiêm mũi 1 là 108.275 liều (đạt 99.98%); tiêm mũi 2 là 107.075 liều (đạt 98,8%).
Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, tổng hợp danh sách và chuẩn bị các điều kiện tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi khi có chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh Thái Nguyên. Qua đánh giá, xác định mức độ dịch và tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ: Đánh giá tình hình dịch Covid-19 hiện tại của Thái Nguyên cấp độ 1.
Về thuốc điều trị Covid-19, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã được cấp 22.500 viên thuốc điều trị Covid-19 (Avigan 200mg) để điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa; 1.600 lọ Remodesivir điều trị cho bệnh nhân mức độ vừa trở lên. Ngay khi được cấp thuốc, các đơn vị điều trị Covid-19 của tỉnh đã sử dụng điều trị cho bệnh nhân kịp thời, các bệnh nhân dùng thuốc đều có tiến triển tốt và nhanh hồi phục, hạn chế diễn biến nặng. Ngày 6/01/2022, tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Y tế phê duyệt bổ sung sử dụng thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Trước dự báo dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Đề nghị các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch; đồng thời tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Công điện số 170/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống Covid-19 cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục triển khai chương trình tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn; người dân phải được tư vấn, hỗ trợ khi điều trị tại nhà.
Cùng với đó, tăng cường thời lượng, đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền hỗ trợ F0 điều trị, cách ly tại nhà; đảm bảo chế độ chính sách của người lao động. Đồng thời, áp dụng chuyển đổi số trong khai báo y tế tại cơ sở, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan từ cơ sở để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền hậu Covid-19, nâng cao ý thức phòng chống bệnh cho người dân.