Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: Dù còn khó khăn cần dành nguồn lực tốt nhất cho y tế
Ông Đỗ Đức Duy, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, là tỉnh còn vô vàn khó khăn, Yên Bái luôn dành những nguồn lực tốt nhất cho ngành Y tế. Vì đầu tư cho y tế là cho đầu tư cho con người.
Lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã tổ chức đối thoại giữa UBND tỉnh với cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế.
Cuộc đối thoại vừa kết hợp trực tiếp tại Trung tâm Hành chính tính và nối điểm cầu tới 8 huyện, thị, thành phố với 900 người tham dự.
Quyết ngay những vấn đề nóng của ngành Y tế
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, sau 2 năm đại dịch COVID-19, với tất cả tấm lòng, tri ân những người thầy thuốc, lãnh đạo tỉnh Yên Bái muốn lắng nghe, trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các thầy thuốc từ những nhân viên y tế tại trạm y tế xa xôi nhất cho đến cán bộ thầy thuốc đầu ngành của tỉnh. Cuộc đối thoại này có sự tham dự của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, "nếu vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh sẽ quyết luôn. Còn thuộc chính sách của Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh tập hợp báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế".
Trong 1 buổi chiều làm việc với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực y tế, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã nhận được 48 câu hỏi của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, trong đó đã có 20 ý kiến đối thoại trực tiếp tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: thể chế, cơ chế, chính sách; hệ thống tổ chức, nhân lực y tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực; mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất.
BS Mai Long Sơn, Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh Yên Bái đặt câu hỏi: Hiện nay một số đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu thầu mua thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất. Nhưng một số mặt hàng không có nhà thầu dự thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân. Kiến nghị UBND tỉnh có hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế
Trả lời trực tiếp vào câu hỏi này, bà Lê Thị Hồng Vân Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, tỉnh đã có kế hoạch đấu thầu tập trung cấp tỉnh từ rất sớm và có kết quả từ sớm nên về cơ bản, Yên Bái không thiếu thuốc cho điều trị người bệnh. Ngoại trừ thuốc gây nghiện, hướng thần, các vị thuốc y học cổ truyền do nhiều vướng mắc khách quan.
Riêng thuốc gây nghiện, hướng thần nguyên nhân thiếu ở 1 số cơ sở y tế nguyên nhân chính do số lượng hàng hóa, giá trị mua sắm nhỏ vì vậy các đơn vị cung ứng không mặn mà tham gia. Hơn nữa đây là loại mặt hàng đặc biệt, quản lý cần phải chế tài đặc biệt khiến chi phí vận chuyển tăng các nhà cung cấp không muốn tham gia…
Giải pháp được ngành y tế Yên Bái đưa ra để đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời cho điều trị, đơn vị nghiên cứu áp dụng quy định khoản 5, Điều 35, Thông tư số 15/2019 của Bộ Y tế về Quy định đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế công lập: "Khi gói thầu có các thuốc không có nhà thầu dự thầu hoặc không có nhà thầu trúng thầu hoặc không xử lý được theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Thông tư 15, bên mời thầu thực hiện hủy thầu các thuốc đó và tách thành gói thầu khác để trình người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà không phải thẩm định lại".
Đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn áp dụng khoản này đấu thầu lại. Về lâu dài, Sở Y tế Yên Bái tiếp tục xem xét đưa vào đấu thầu tập trung cấp tỉnh, các đơn vị lớn có thể điều tiết thuốc cho đơn vị nhỏ. Nhưng cũng cần phải nói rõ để các đại biểu biết, trước đây Sở Y tế cũng đã đấu thầu tập trung cấp tỉnh thuốc này rồi, nhưng cũng không có nhà thầu tham gia. Tới đây sẽ kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cho phép chuyển nhượng các thuốc gây nghiện, hướng thần do các cơ sở y tế tự đấu thầu với các cở y tế khác trên cùng địa bàn…
Yên Bái đầu tư cho y tế là đầu tư con người
Với định hướng đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành 01 nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ đó, cho chủ trương để HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 07 nghị quyết, 02 đề án, chính sách để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện và ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng để đầu tư phát triển sự nghiệp y tế tỉnh nhà và đã đạt được những kết quả tích cực
Hệ thống tổ chức bộ máy ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (đã tiến hành sắp xếp phù hợp, hiệu quả các đơn vị y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh; là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập CDC...). "Qua đại dịch COVID-19 vừa qua, chủ trương thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn", ông Đỗ Đức Duy khẳng định.
Dù nguồn lực của Yên Bái còn nhiều khó khăn, song, đã quan tâm ưu tiên nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế công lập, gắn với khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Yên Bái đã thu hút, hỗ trợ, đào tạo được 639 cán bộ ngành y tế chất lượng cao từ đại học trở lên, tổng kinh phí trên 27,6 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đạt 10,8 bác sĩ/10 nghìn dân; 34,6 giường bệnh/10 nghìn dân.
Huy động đa dạng các nguồn lực để chi cho các hoạt động cũng như đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong đó: Tổng chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2016-2020 là 3.925,8 tỷ đồng, tổng chi thường xuyên giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 4.083 tỷ đồng.
"Về chi đầu tư, nhiệm kỳ 2015-2020, Yên Bái đã đầu tư 1.466 tỷ đồng và tới nhiệm kỳ này đã bố trí 974 tỷ đồng trong tổng số kế hoạch vốn 1.423 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất ngành y tế, bảo đảm đáp ứng mục tiêu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay, tỉnh đã có 154/173 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lên 89%, vượt kế hoạch đề ra. Quan điểm của Yên Bái đã đầu tư cho trạm y tế xã là phải đạt chuẩn Quốc gia", ông Đỗ Đức Duy nói.
Hiện nay về cơ bản các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện của Yên Bái đã khẳng định được chất lượng dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhiều kỹ thuật y tế mới, chuyên sâu, phức tạp đã được thực hiện thành công; chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân thông qua hệ thống y tế cơ sở không ngừng được cải thiện, qua đó, người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến huyện, góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh.
Phong trào thi đua "bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc" được triển khai rộng khắp và lan tỏa trong toàn ngành.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, sau 1 buổi chiều dành thời gian nghe các kiến nghị, trả lời của các ngành và trực tiếp trả lời một số vấn đề, về đấu thầu thuốc đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế khẩn trương, chủ động rà soát, triển khai các giải pháp, lựa chọn hình thức đấu thầu phù hợp, đảm bảo đúng nguyên tắc và các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc phục vụ nhân dân, khắc phục tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc, vật tư hóa chất do bất cập trong quy trình, thủ tịch, quy đinh hiện hành như một số ý kiến đã nêu tại Hội nghị.
"Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND theo hướng phân cấp mạnh thẩm quyền mua sắm tài sản, hàng hóa... đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương".
Đối với nhóm vấn đề như đào tạo, thể chế, cơ chế, chính sách...UBND tỉnh Yên Bái giao các cơ quan chức năng tập hợp, giải quyết những vấn đề khó, vượt thẩm quyền báo cáo cấp trên.
Ông Trần Huy Tuấn nói: Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế, nhất là đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở. Nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, để cán bộ y tế trên địa bàn có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình.
Phát động và triển khai các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời khen thưởng, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong Ngành Y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.